Tạo dáng cho phố

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC 12/10/2013 08:18

Nhiều công trình, hạng mục được đầu tư mới, nâng cấp đã “trang điểm” cho phố cổ Hội An, đô thị Tam Kỳ. Các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã mở rộng quan hệ không gian kinh tế với không gian đô thị, bám theo “cơ thể sống” của hạ tầng hiện hữu.

Nâng cấp đô thị

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, 2 năm trở lại đây TP.Tam Kỳ đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng đô thị. Các dự án trọng điểm có thể kể đến như đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, đường cứu nạn cứu hộ bờ bắc sông Tam Kỳ, hai cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng… Các khu đô thị Hòa Hương, Tân Thạnh, phố chợ An Sơn, công viên cảnh quan hồ Duy Tân, Nguyễn Du hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật. Thêm vào đó, dự án thoát nước và xử lý nước thải, rác thải cho thành phố; công trình nâng cấp nhà máy nước Tam Kỳ đã triển khai. Với nguồn lực có hạn, song hành với các công trình cấp thiết xây mới, chính quyền thành phố còn ưu tiên tái phát triển đô thị hiện hữu, lấy đường Điện Biên Phủ làm tuyến trục đô thị mới liên kết các vùng, nâng cấp cốt nền đường Bạch Đằng phục vụ chức năng trị thủy. Các đường N24, Trần Quý Cáp nối dài đã được kết nối. Mạng lưới đường đô thị dọc ngang như ô bàn cờ đáp ứng nhu cầu giao thông hiện nay. Hệ thống đường ống cấp nước sạch phủ kín hầu hết các tuyến đường trong thành phố, với khoảng 65% dân số được cấp nước sạch.

Đường Hùng Vương - TP. Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường Hùng Vương - TP. Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo ông Trần Trung Hậu – Phó phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, sau nhiều lần góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do một đơn vị tư vấn của Nhật Bản thực hiện sắp tới được phê duyệt) sẽ là cơ sở để địa phương quản lý, xây dựng hạ tầng đồng bộ và có lộ trình rõ hơn. Khối lượng xây dựng của thành phố thời gian qua khá lớn và đang trong giai đoạn thi công nước rút để hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại 2 vào năm 2015. Ngoài hoàn thiện các hạng mục còn dang dở về hạ tầng giao thông nội thị, hệ thống cấp thoát nước, điện, cảnh quan đô thị, chính quyền đang xúc tiến mở không gian đô thị về phía đông bắc sông Bàn Thạch, lấy đường Điện Biên Phủ chạy theo hướng Bắc - Nam qua thành phố giữ vai trò là trục trung tâm đô thị. Đây là lợi thế nổi trội để xây dựng đô thị thông minh, phát huy tối đa hiện trạng, đặc trưng vùng miền, không di dời dân cư hiện hữu với quy mô lớn, giảm chi phí quản lý đô thị.

Trong khi đó, tại đô thị cổ Hội An, việc đầu tư hạ tầng tập trung giải quyết “chiếc áo” quá chật của không gian phố cổ. Phần lớn các công trình, dự án phục vụ mục đích cải thiện môi trường, sắp xếp lại dân cư. Khu làng chài Cẩm An, khu Trảng Kèo, một số khu dân cư mới như Cẩm Phô, Tân Thịnh, Tân Mỹ (xã Cẩm An) đến nay hoàn thành hơn 90% khối lượng xây dựng. Kỹ sư Võ Hữu Dũng – Phó phòng Quản lý đô thị TP.Hội An cho biết, vì đặc thù bất động sản ở phố cổ vào loại đắt đỏ nên việc triển khai dự án mới không dễ chút nào, riêng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đã “ngốn” khoảng 60%, trong khi đó mức xây lắp chỉ chiếm 40%. Do vậy, đột phá hạ tầng của địa phương gần đây là giải quyết dứt điểm tình trạng dang dở hạ tầng ở các khu dân cư mới; cải tạo, nâng cấp, thảm nhựa tất cả tuyến nội thị, trồng cây xanh đường phố. Ngoài ra, xây dựng nhà máy xử lý rác Cẩm Hà hơn 84 tỷ đồng, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 tấn rác giảm áp lực ô nhiễm môi trường ở phố cổ. “Thành phố đã có một nghị quyết về phát triển cây xanh, đang phân kỳ đầu tư cống rãnh, vỉa hè. Năm 2013, vốn dành cho xây dựng cơ bản của địa phương hơn 100 tỷ đồng” – ông Dũng thông tin.

Mở không gian

Theo Sở Xây dựng, đến nay, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể vùng đông, quy hoạch ven biển từ Điện Bàn - Hội An; đồ án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sắp sẽ phê duyệt. Hạ tầng đô thị đột phá mạnh, đặc biệt ở TP.Tam Kỳ. Các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương này đã triển khai cơ bản đáp ứng được các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Hội An là vùng đất trũng thấp, luôn gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai lũ lụt. Chính vì vậy, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hội An đã mở rộng không gian về phía bắc, giảm tải dân cư sinh sống đông đúc trong phố cổ. Hình thể đất liền ở Hội An là các đồi cát tây bắc xuôi dần xuống vùng đồng ruộng đông nam rồi ra cửa biển. Định hướng phát triển “vành đai xanh” đã được các nhà làm quy hoạch đặc biệt quan tâm. Theo ông Võ Hữu Dũng, đô thị Hội An sẽ được mở rộng về phía bắc, nối cả về phía nam thuộc xã Cẩm Kim. Vùng hạ lưu sông Thu Bồn tập trung phát triển mạnh đô thị Thanh Hà, Cẩm Châu… Đặc thù của phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới nên vẫn giữ nguyên hiện trạng cấu trúc đô thị cũ, sau đó mở rộng về các vùng lân cận, lấy đô thị sinh thái – văn hóa làm hạt nhân.

Mô hình “phố trong làng, làng trong phố” sẽ được coi trọng khi xây dựng đô thị Hội An. Theo ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, cái “hồn” của Hội An là ngoài di sản văn hóa của nhân loại, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, vùng đất này còn tích tụ trầm tích văn hóa – lịch sử lâu đời. Mở rộng không gian đô thị là việc làm cần thiết, song phải tính toán mở ở đâu, mở tới mức nào là hợp lý. Vùng đất phố cổ đang đứng trước nguy cơ mất dần nguyên bản giá trị lịch sử của đô thị cổ, sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Mở không gian nhưng không được chia cắt đô thị, các vùng bổ sung phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa cho nhau.  

Tại Tam Kỳ, không gian đô thị mới đã dịch chuyển về vùng đông để tạo ra sự liên kết vùng, đảm bảo phòng chống thiên tai, trị thủy, bảo tồn được các khu dân cư, làng quê hiện hữu, không phát triển ồ ạt đến mức phải tái định cư quy mô lớn. Thêm nữa là tận dụng, phát huy tối đa tài nguyên tự nhiên của sông Bàn Thạch, Tam Kỳ, Bãi Sậy Sông Đầm, hồ Phú Ninh, đồi An Hà… để hình thành đô thị xanh. Kiến trúc sư Hoàng Sừ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, “khuôn mặt” của đô thị Tam Kỳ cần được khai thác các bãi bồi giữa sông và cảnh quan mặt nước bao quanh cho phù hợp với phong thủy. Do vậy, hạ tầng đô thị phải xem trọng giải pháp trị thủy. Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa nhấn mạnh, đô thị xanh là xu hướng tất yếu. Khi hạ tầng cầu – đường triển khai đồng bộ sẽ hình thành vệt quy hoạch mở rộng không gian về vùng đông rõ ràng hơn.

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo dáng cho phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO