Chính phủ vừa ban hành Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, ưu đãi thuế... với nhiều điểm mới thuận lợi, tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế thủy sản. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25.8.2014.
Chính phủ vừa ban hành nghị định về chính sách phát triển thủy sản với nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển. Ảnh: QUANG VIỆT |
Cấp bù lãi suất vay đóng tàu
Nghị định nêu rõ, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%, ngân sách nhà nước cấp bù 6%. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, chủ tàu trả 3%, ngân sách nhà nước cấp bù 4%.
Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, trường hợp đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%, ngân sách nhà nước cấp bù 5%. Tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%, ngân sách nhà nước cấp bù 6%.
Bỏ quy định cùng chi trả bảo hiểm y tế Cuối tuần qua, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, đáng chú ý là Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều điểm mới quan trọng. Luật đã sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Luật cũng bổ sung quyền lợi, nâng mức hưởng BHYT và mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, bỏ quy định chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ cận nghèo; quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2015. |
Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%, ngân sách nhà nước cấp bù 4%. Nếu đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%, ngân sách nhà nước cấp bù 4%. Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên hoặc nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%), chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%, ngân sách nhà nước cấp bù 4%.
Tất cả trường hợp trên có thời hạn cho vay 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn trả lãi và chưa phải trả nợ gốc. Ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại. Về tài sản thế chấp, chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay. Mức lãi suất 7%/năm thực hiện trong năm đầu tính từ ngày chủ tàu ký kết vốn vay với ngân hàng thương mại. Khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm tương ứng. Trường hợp mặt bằng lãi suất cho vay tăng, xử lý theo quy định.
Vay tối đa 70% chi phí cho một chuyến biển
Theo nghị định, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể được vay vốn lưu động. Theo đó, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần; tàu khai thác hải sản được vay tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển. Lãi suất cho vay 7% trong năm đầu, tính từ ngày chủ tàu ký kết vốn vay với ngân hàng thương mại, và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đảm bảo lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất cho vay thấp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên. Cụ thể, hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) hàng năm với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV và 90% kinh phí đối với tàu từ 400CV trở lên.
Về chính sách ưu đãi thuế, miễn thuế tài nguyên đối với hải sản tự nhiên khai thác; không thu lệ phí trước bạ đối với tàu, thuyền khai thác thủy - hải sản; miễn thuế môn bài đối với tổ chức, hộ, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy - hải sản của tổ chức, gia đình, cá nhân; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với gia đình, cá nhân trực tiếp khai thác hải sản;...
KIẾN QUỐC (tổng hợp)