Tạo điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa

LÊ QUÂN 25/12/2023 10:53

Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo, tạo điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa là yêu cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho các bộ ngành, địa phương nhằm tạo động lực phát triển các lĩnh vực liên quan trong ngành này.

Một số sản phẩm của doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực sáng tạo công nghiệp văn hóa tại Hội An thời gian qua. Ảnh: G.M.HA
Một số sản phẩm của doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực sáng tạo công nghiệp văn hóa tại Hội An thời gian qua. Ảnh: G.M.HA

Hội nghị toàn quốc bàn về phát triển công nghiệp văn hóa lần đầu tiên được tổ chức vào cuối tuần qua với sự tham gia của các địa phương, bộ ngành, hiệp hội lẫn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan công nghiệp văn hóa (CNVH). Nhiều khó khăn, thách thức được nhận diện để tìm phương hướng phát triển tốt nhất.

Cần đồng bộ từ các ngành

Với kinh nghiệm gần 30 năm tham gia trong lĩnh vực điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho rằng, về mặt chính sách và quản lý nhà nước, hiện tại Việt Nam mới chỉ là quản lý văn hóa chứ chưa phải công nghiệp văn hóa.

Bộ VH-TT&DL cho rằng, Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Hạnh, chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển. “Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ.

Liên quan đến vi phạm bản quyền, ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỷ đồng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cạnh đó, làm sao phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như cho vay nông nghiệp” - bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng cho rằng, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất tương ứng cũng như các thủ tục hành chính cần phải giảm tải. Những chính sách miễn thuế đất, giảm tiền điện, nước, ngoài ra, quan tâm hơn tới chính sách thuế với những nhà sáng tạo nội dung…

Cùng với cơ chế chính sách, các ưu đãi về thuế, câu chuyện nguồn nhân lực cũng được nhiều đại biểu tại hội nghị đặt ra. Báo cáo của Bộ VHTT-DL cho biết, lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thái Hoàng Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho rằng, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp - chất lượng - khác biệt đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hóa dân tộc cũng như đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Nhưng trên thực tế, những nơi có tiềm năng phát triển văn hóa du lịch lại là những vùng sâu vùng xa, trình độ phát triển còn thấp.

Lựa chọn lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh

Tại Quảng Nam, Hội An là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển CNVH dựa trên nền tảng kết hợp giữa du lịch với văn hóa. Nhiều năm qua, Hội An đã tạo ra nhiều mô hình phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa.

Quảng Nam đã quan tâm, tập trung quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại Hội An. Cạnh đó, một số cơ chế, chính sách mời gọi các nhà đầu tư để phát triển các dịch vụ vui chơi - giải trí bổ trợ cho ngành du lịch cũng được thực hiện tại địa phương...

Tuy nhiên, nhìn nhận từ lãnh đạo địa phương, việc đầu tư, phát triển một số sản phẩm du lịch văn hóa gắn với phát triển CNVH tại Hội An vẫn chưa đa dạng, các mô hình thử nghiệm về không gian sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Các đơn vị kinh doanh văn hóa bán lẻ chiếm đại đa số, còn các đơn vị kinh doanh văn hóa tổng hợp và các siêu thị văn hóa thì chưa có.

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa cũng là khó khăn Quảng Nam gặp phải. “Nhân lực trong ngành này cần đủ mọi loại kỹ năng, nhưng hiện nay đang vừa thiếu vừa yếu. Bên cạnh đó, sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển CNVH chưa chặt chẽ.

Về bản chất, các ngành CNVH cần có các mạng lưới chuyên môn được kết nối chặt chẽ, từ đó mới giúp thúc đẩy các yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa, tạo ra các mối liên kết trong chuỗi giá trị” - đại diện Sở VHTT-DL Quảng Nam chia sẻ.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực cũng như kết hợp định tính với định lượng trong đánh giá nguồn lực phát triển ngành CNVH ở Hội An.

Địa phương sẽ có kế hoạch khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh các nguồn lực của địa phương để phát triển các ngành CNVH, tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ cũng như tiếp tục phát triển nhân lực.

Tại hội nghị, cùng với đề nghị đặt ra cho các bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành CNVH, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn.

Lựa chọn lĩnh vực CNVH có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ CNVH. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ CNVH đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm này với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO