Tạo động lực bám biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 03/07/2014 09:04

Hơn 25.000 lao động trực tiếp sản xuất trên biển của Quảng Nam được tiếp sức bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, do đó họ yên tâm vươn khơi bám biển.

Cần cù, năng động

Dù bám biển khai thác hàng tháng trời nhưng nhiều ngư dân vào bờ chỉ ở nhà đôi ba hôm rồi lại quày quả chuẩn bị vươn khơi. “Đang vụ sản xuất chính nên chúng tôi phải tranh thủ thăm nhà rồi lại ra khơi ngay. Biển êm, thời tiết thuận lợi, nguồn mực xà nhiều hơn hẳn mọi năm nên anh em tận dụng thời gian, đề nghị chủ tàu vươn khơi ngay để kịp sản xuất” - anh Võ Hồng Ba (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành), ngư dân đi “bạn” câu mực khơi cho biết. Suốt một thời gian dài, trong khi các tàu câu mực khơi của ngư dân Quảng Nam phải nằm bờ thì người lao động của nghề này phải đôn đáo tìm việc làm khác. Sản lượng khai thác không cao, giá mực xà liên tục giảm trong khi giá thành khai thác lại tăng cao đã khiến cho ngư dân theo nghề câu mực khơi điêu đứng. Nhưng trong những ngày qua, nghề biển đang được mùa mà giá mực xà lại ổn định nên ngư dân trở lại gắn bó với nghề. Ông Ngô Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Trong số các nghề khai thác hải sản xa bờ thì lao động của nghề câu mực khơi là khó nhọc nhất bởi họ phải sản xuất đơn độc trên biển từ đêm cho đến sáng liên tục trong thời gian từ 2 - 3 tháng. Thực tế sản xuất đã cho thấy, mặc dù rất thiết tha bám biển nhưng khi thu nhập không tương xứng, lao động theo nghề này sẽ chuyển sang nghề khác bởi đó là sinh kế. Các tàu câu mực khơi vì thế mà rơi vào cảnh nằm bờ. Thực tế này chỉ có thể được giải quyết nếu như nghề này mang lại lợi nhuận tương ứng cho ngư dân”.

Người lao động theo nghề câu mực khơi yên tâm bám biển khi ổn định thu nhập. Ảnh: N.Q.V
Người lao động theo nghề câu mực khơi yên tâm bám biển khi ổn định thu nhập. Ảnh: N.Q.V

Ngoài phẩm chất cần cù bám biển, ngư dân trên địa bàn tỉnh lại rất năng động, ham học hỏi nên tiếp nhận có hiệu quả các nghề sản xuất mới. Thực tế đã cho thấy, hơn 10 năm nay, ngư dân trên địa bàn xã Duy Vinh (Duy Xuyên) đã sản xuất thành công với nghề lưới rê 3 lớp cải tiến sau khi tiếp thu được. Theo UBND xã Duy Vinh, sau khi chuyển sang khai thác hải sản bằng nghề lưới rê 3 lớp cải tiến, đời sống của ngư dân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến do thu nhập tăng cao. Hiệu quả của mỗi chuyến biển tăng rõ rệt khi sản lượng khai thác tăng lên 30 - 50%, mực nang lại được giá vì đây là mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Tương tự việc chuyển đổi sang nghề lưới rê 3 lớp cải tiến của ngư dân xã Duy Vinh, sau thời gian dài bám biển ở các ngư trường trong cả nước, ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) đã mạnh dạn chuyển sang nghề lưới rê hỗn hợp. Khi chuyển sang nghề mới, thu nhập sau mỗi chuyến biển của ông Tăng và các “bạn” đều tăng từ 30 - 50% so với nghề lưới cản trước kia.

Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, nghề cá của tỉnh vào thời điểm này thu hút từ 25.000 - 30.000 lao động. Thời gian qua, xu hướng khai thác xa bờ đã thể hiện rõ ràng hơn khi cơ cấu lao động luôn chuyển dịch sang các nghề câu mực khơi, lưới vây. Tuy nhiên, trong số 402 tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa của tỉnh chỉ mới thu hút được hơn 10.000 lao động địa phương. Nhiều ngư dân khác lại phải đang đi “bạn” cho các tàu khai thác xa bờ ở các địa phương khác như TP.Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Hỗ trợ đào tạo nghề

Theo Sở NN&PTNT, ngư dân trên địa bàn tỉnh rất năng động nên tiếp cận, vận dụng các nghề mới có hiệu quả, cải thiện thu nhập. Song tập quán sản xuất gần bờ vẫn còn nên đội ngũ lao động trong nghề cá rất cần được đào tạo bài bản. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động do hiệu quả kinh tế thấp của một số nghề khai thác hải sản trong thời gian gần đây nên một số thuyền viên có tay nghề cao, có kinh nghiệm đi biển chuyển lên bờ làm các nghề khác. Vì thế, cần thiết phải có chính sách đào tạo nghề cho lao động nghề cá để phục vụ cho việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Cùng với đó là đào tạo lực lượng lao động trẻ để duy trì, phát triển nghề khai thác hải sản của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thời gian qua, ngành thủy sản Quảng Nam đã phối hợp với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 miễn phí cho ngư dân trên địa bàn. Sau mỗi khóa học, ngư dân được trang bị các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng, pháp lý hàng hải; nghiệp vụ điều động tàu; nghiệp vụ cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng, đâm va và các quy tắc xử lý cứu nạn; nghiệp vụ khí tượng, hải dương; khai thác và bảo vệ sản phẩm sau khi khai thác được. Ngoài ra, các học viên cũng được đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ điều khiển tàu có công suất từ 400CV trở lên; nghiệp vụ tìm kiếm ngư trường khai thác hải sản; kỹ năng khắc phục, sửa chữa khi tàu bị sự cố… Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam khẳng định: “Qua nhiều lớp đào tạo, ngư dân đã được trang bị vốn kiến thức cơ bản phục vụ quá trình khai thác hải sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên biển. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đáng kể để thay thế cho số thuyền trưởng, máy trưởng hết tuổi lao động hoặc đã chuyển nghề khác”.

Đi đôi với đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, Quảng Nam cũng đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang nghề lưới rê hỗn hợp. Việc chuyển đổi nghề đã góp phần cơ cấu lại các nhóm nghề khai thác hải sản hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế trong mỗi chuyến biển, đồng thời đảm bảo tính bền vững trong khai thác hải sản. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề, ngành thủy sản cũng tạo điều kiện giúp ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu có công suất lớn để vươn khơi xa bám biển. Việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu nâng cao năng lực dự báo ngư trường và đưa được thông tin ngư trường cho sản lượng khai thác cao đến ngư dân cũng được xét đến. Cùng với đó là hỗ trợ vốn để ngư dân nâng cao hậu cần nghề cá, giúp họ bảo quản tốt hơn sản phẩm khai thác được, qua đó tăng hiệu quả chuyến biển”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo động lực bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO