Tạo động lực cho kinh tế biển

ĐẶNG HÙNG 03/10/2018 02:38

Những năm qua, bằng các chính sách phù hợp, Quảng Nam đã biến tiềm năng kinh tế biển thành mũi đột phá trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Dự án Vinpearl Hội An đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dự án Vinpearl Hội An đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đánh thức tiềm năng

Với ngư trường rộng lớn (hơn 40.000km2), thềm lục địa kéo dài 93km, vùng biển Quảng Nam có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều loài thuộc loại quý hiếm. Đặc biệt, cách TP.Hội An gần 20km về phía đông là quần đảo Cù Lao Chàm với các hệ sinh thái đặc thù gồm quần thể san hô và các loại hải sản đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao, là khu bảo tồn biển quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chiều dài bờ biển hơn 125km và 2 cửa biển lớn là Cửa Đại và An Hòa có tiềm lực đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, sinh thái, đầu tư bến cảng và các khu thủy vực nước lợ, nước ngọt rộng lớn thuận lợi cho sự phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Với tiềm năng, lợi thế về biển đảo, những năm qua, Quảng Nam đã có nhiều chủ trương chính sách để tập trung khai thác nguồn tiềm năng, tạo đà tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy đã đề ra Chương trình hành động để thực hiện nghị quyết nhằm tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng ven biển Quảng Nam được xem là dự án lớn, đa mục tiêu. Dự án triển khai trên quy mô 13.720ha, tiến hành di dời, sắp xếp 10.367 hộ dân, với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; theo đó, xây dựng 9 khu tái định cư tập trung được quy hoạch theo hướng phát triển thành khu đô thị gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) được đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) được đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đến nay, kết cấu hạ tầng ở khu vực ven biển của tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ và hiện đại. Các tuyến giao thông huyết mạch được hình thành. Mạng lưới giao thông kết nối trục đông - tây và một số trục giao thông bắc - nam đã được khơi thông. Sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, các bến âu thuyền tránh bão ở Hồng Triều, Cù Lao Chàm, Tam Hải được tập trung đầu tư nâng cấp. Hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp, khu du lịch ven biển được đầu tư đồng bộ đã thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư.

Điểm đến các nhà đầu tư

Trong những năm gần đây, cùng với việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Quảng Nam đã tích cực kêu gọi đầu tư phát triển hàng loạt dự án giao thông, dịch vụ - du lịch, công nghiệp cơ khí, khí điện, dệt may, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương. Để kích hoạt tiềm năng và lợi thế vùng kinh tế, Quảng Nam đang xây dựng chiến lược phát triển vùng đông nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là triển khai những nhóm, các dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng. Đó là, nhóm du lịch -  dịch vụ với hạt nhân là Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; nhóm công nghiệp cơ khí ô tô đa dụng, mà hạt nhân là Chu Lai - Trường Hải; nhóm công nghiệp hàng không với sân bay Chu Lai là hạt nhân; nhóm dự án khí - điện với hạt nhân là mỏ khí Cá Voi Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các nhà máy điện khí tại Chu Lai và Dung Quất; nhóm công nghiệp dệt may - da giày với hạt nhân là Công ty Panko (Hàn Quốc) và cuối cùng là nhóm dự án thủy - hải sản mà hạt nhân là cảng cá Tam Quang.

Đặc biệt, kể từ khi dự án cầu Cửa Đại, cầu Đế Võng và các tuyến đường ven biển chính thức thông tuyến, vùng đông Quảng Nam được mệnh danh là con đường của các dự án “tỷ đô” vào đầu tư. Hàng loạt dự án du lịch - dịch vụ đang được khởi công và đi vào hoạt động đã mang lại diện mạo mới cho vùng ven biển. Đó là các dự án Vinpearl Nam Hội An, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương; khu giải trí Everland Nam Cửa Đại… Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trong những năm tới, Quảng Nam sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng chung, hạ tầng liên vùng cho vùng đông nam. Cụ thể là hạ tầng sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, đường ven biển từ Hội An đến Chu Lai để kết nối với Đà Nẵng và Dung Quất; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... để tạo động lực phát triển kinh tế ven biển.

ĐẶNG HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo động lực cho kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO