Những năm gần đây, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để tiếp tục tạo động lực cho mô hình kinh tế tập thể, ngành chức năng đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX từng bước đổi mới công tác quản lý, mở rộng ngành nghề kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa...
Mở rộng ngành nghề
HTX Nông nghiệp Điện Quang (HTX Điện Quang) đang được xem là đơn vị kinh tế tập thể năng động, dám nghĩ dám làm để tạo ra nguồn thu nhập và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương.
Hơn 10 năm về trước, HTX Điện Quang đã tiên phong triển khai dịch vụ bảo hiểm chăn nuôi trâu bò và thú y với mức bán bảo hiểm từ 120 - 150 nghìn đồng/con/năm, trở thành mô hình điểm cho các địa phương khác tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Nhiều năm qua, HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp (DN) để đầu tư sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như bắp, ớt, dưa, trồng dâu nuôi tằm... Gần đây, HTX Điện Quang liên kết với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam mở rộng diện tích trồng dâu lên hàng chục héc ta ở vùng ven sông.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Điện Quang, sản phẩm kén tằm của HTX hiện có giá 110 - 140 nghìn đồng/kg, mang về thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha/năm cho nông dân. Đây là cơ hội để khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở địa phương...
Nhờ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đến nay HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành (Phú Ninh) đã tham gia vào chuỗi giá trị trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ở địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
HTX đã đầu tư 5.000m2 nhà kính và 2.000m2 khung sườn che lưới làm mát để trồng các loại rau ăn lá. Khu sản xuất được trang bị hệ thống phun sương, làm mát tự động… với số vốn gần 1 tỷ đồng. Đất trồng rau được cải tạo kỹ, sử dụng phân bón vi sinh, sử dụng chế phẩm vi sinh để phòng trừ sâu hại, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc hóa học.
HTX cung ứng 25 loại rau củ hữu cơ cho các cửa hàng rau sạch tại TP.Tam Kỳ, huyện Thăng Bình và Núi Thành. Bình quân mỗi tháng, HTX đạt doanh thu khoảng 50 - 60 triệu đồng.
Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (HTX Ái Nghĩa) cho biết, trong những năm gần đây, HTX đầu tư trang bị máy móc hiện đại để cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, qua đó giúp nông dân giảm giá thành trong sản xuất lúa và tăng lợi nhuận từ việc hỗ trợ của công nghệ.
HTX Ái Nghĩa đã tiên phong phối hợp với Viện Giống cây trồng Trung ương nghiên cứu sản xuất hạt giống lúa lai thế hệ F1 theo chuỗi giá trị của HTX Ái Nghĩa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX Ái Nghĩa đã đầu tư máy gặt đập liên hợp, công nghệ tiên tiến của Nhật với công suất 5ha/ngày; đầu tư xe tải vận chuyển, xây dựng 5 lò sấy với công suất 14 tấn/mẻ sấy và đầu tư hệ thống máy xay xát hiện đại để chế biến gạo cung ứng ra thị trường. Trung bình mỗi năm, HTX liên kết với DN bao tiêu khoảng 1.000 tấn lúa giống cho thành viên với mức giá 30 nghìn đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với sản xuất lúa thương phẩm.
Ðẩy mạnh hỗ trợ
Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam, những năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp tập trung đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Đến nay toàn tỉnh có 355 HTX hoạt động (trong đó có 281 HTX nông nghiệp), với tổng số 228.627 thành viên, số lao động làm việc trong khu vực HTX là 2.245 người. Doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 2,75 tỷ đồng, tăng gần 1,65 tỷ đồng so với cách đây 5 năm.
Năm 2019, lãi gộp bình quân của mỗi HTX là 550 triệu đồng, tăng 85 triệu đồng so với năm 2015; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong các HTX là 4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1 triệu đồng/tháng so với năm 2015.
Có thể thấy, việc đầu tư ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là hướng đi cấp thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, thiếu kinh nghiệm tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Ta Ngôn Thơm, Giám đốc HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh (huyện Tây Giang) cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất của nhiều HTX miền núi còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư lớn, trong khi HTX khó tiếp cận vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước, quỹ đất đang sử dụng cũng không thể thuê dài hạn. Chính vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi hỗ trợ cho các HTX mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Ông Võ Bảy cho biết, trong những năm đến, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, nhất là về nguồn vốn. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ HTX; thường xuyên tư vấn, hỗ trợ HTX xây dựng bài bản chiến lược sản xuất, kinh doanh; tích cực hỗ trợ các HTX liên doanh, liên kết với DN tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
“Do cơ chế bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất hiện nay chưa thực sự hiệu quả; trình độ năng lực cán bộ quản lý hạn chế, còn có nhiều HTX hoạt động manh mún nhỏ lẻ; áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chưa nhiều... đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các HTX. Giải pháp mang tính chiến lược để hỗ trợ HTX chính là tăng cường quản lý, đảm bảo HTX phát triển tốt, tạo điều kiện để mô hình HTX kiểu mới tiếp cận được nguồn vốn, nhân lực, đất đai và kỹ thuật... nhằm mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh” - ông Bảy nói.