Tạo động lực phát triển cây dược liệu

HOÀNG LIÊN 30/01/2018 06:49

Năm 2017, hàng loạt cơ chế, chính sách mới nhằm đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, quế Trà My và sâm Ngọc Linh được HĐND tỉnh thông qua với hy vọng tạo cơ hội và động lực đưa Quảng Nam trở thành trung tâm về cây dược liệu của cả nước.

Vườn ươm cây ba kích tím xã Lăng, Tây Giang. Ảnh:H.L
Vườn ươm cây ba kích tím xã Lăng, Tây Giang. Ảnh:H.L

Đầu 12.2017, HĐND tỉnh đã thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách về cây dược liệu, quế Trà My và cây sâm Ngọc Linh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX. Đó là “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đề án và dự thảo nghị quyết về “Cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2025”; đề án và dự thảo nghị quyết về “Cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm núi Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2025”. HĐND tỉnh cũng thông qua đề án và dự thảo nghị quyết quy định cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, tạo đà cho cây dược liệu phát triển với quy mô hộ, nhóm hộ…

Góp ý về “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030”, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, trên cơ sở quy hoạch chung được HĐND tỉnh thông qua, hằng năm tỉnh cần rà soát, bổ sung vào quy hoạch các loài dược liệu quý, có giá trị. Cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo tồn và phát triển dược liệu, chú trọng sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất. Tập trung rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách làm đòn bẩy, đột phá nhằm khuyến khích thị trường bền vững cho cây dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu. Về đề án và dự thảo nghị quyết về cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh giai đoạn 2018 - 2025, theo bà Thanh, các chỉ tiêu đặt ra về phát triển cây sâm giống tại các vườn trong nhân dân và doanh nghiệp vẫn còn quá cao, trong khi năng lực sản xuất giống còn hạn chế, nguồn giống khó khăn cả về số lượng lẫn chất lượng. Về các vùng sâm di thực, theo bà Thanh, tỉnh cần tổ chức đánh giá, kiểm định, công bố về kết quả những vùng di thực trước đó, nhằm đảm bảo cho công tác di thực sâm núi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như các yếu tố liên quan, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững…

Bên cạnh động lực mới từ các cơ chế hỗ trợ bảo tồn, phát triển cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My của tỉnh, đại diện chính quyền và người dân tại các địa phương vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Tại các phiên tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, chính quyền và người dân huyện Bắc Trà My, Nam Trà My kiến nghị, tỉnh cần nâng mức hỗ trợ cây giống, cụ thể là nâng độ tuổi cây giống được hỗ trợ từ 2 tuổi lên 5 tuổi đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cây giống; đồng thời tăng mật độ cây giống hỗ trợ lên 2.000 cây/ha. Với cây sâm, nhiều cử tri huyện Nam Trà My đề xuất cần hỗ trợ cây sâm giống 1 - 2 năm tuổi, thay vì dự thảo cơ chế chỉ hỗ trợ cây giống 1 năm tuổi, bởi lẽ các cơ sở sản xuất phần lớn bán cây giống từ 2 năm tuổi trở lên. Trong khi đó, nông dân huyện Quế Sơn kiến nghị nên có cơ chế mở đối với cây dược liệu để trong quá trình phát triển, mỗi địa phương bổ sung một số loại cây phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thị trường để được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển… Còn ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang băn khoăn về 9 đối tượng cây dược liệu trong quy hoạch. Theo ông Tài, tỉnh cần cân nhắc, tách bạch kỹ xem những loài cây đặc hữu nào của miền núi thuộc diện bảo tồn, những cây nào ưu tiên phát triển, đan xen giữa bảo tồn và phát triển, bởi nếu vận động nhân dân trồng ồ ạt mà không có sức tiêu thụ mạnh, giá trị không cao thì sẽ rất khó.

Cũng theo ông Tài, quy hoạch cần có cơ chế mở, không chỉ 9 loài dược liệu trên mà tùy theo điều kiện địa phương, nhu cầu thị trường, có thể bổ sung một số đối tượng như cây đinh lăng và một vài loại cây khác có sức tiêu thụ mạnh. Với cây sâm Ngọc Linh, theo ông Tài, tỉnh cần mở rộng cơ chế hỗ trợ những vùng có độ cao, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với đỉnh Ngọc Linh được hưởng lợi, nhằm tạo sản phẩm và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh cho quốc gia. Đối với cây quế cũng vậy, bên cạnh các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước thuộc quy hoạch, tỉnh nên tạo điều kiện cho các huyện miền núi khác như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang được hưởng cơ chế này, xem đây cũng là một cây giảm nghèo của miền núi… Ông Tài cũng cho rằng, tỉnh nên ưu tiên mạnh cho người dân miền núi trồng cây dược liệu, ưu tiên cho người dân có hộ khẩu ở rừng, nhóm hộ giữ rừng được hưởng cơ chế ưu đãi thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng cây dược liệu. Bởi cơ chế này sẽ góp phần tạo sự gắn kết người dân hơn với rừng, góp phần bảo vệ rừng bền vững.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo động lực phát triển cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO