Tạo động lực thoát nghèo

VIỆT QUANG 04/08/2015 10:15

Bằng các giải pháp hiệu quả, linh hoạt, thời gian qua Thăng Bình đã tạo ra động lực để người dân phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Hộ nghèo giảm nhanh

Tháng 8, nắng không còn gắt, công việc phơi khô bún không được thuận lợi nhưng không vì thế mà người dân ở xã Bình Chánh lơ là sản xuất. Tại nhà chị Phan Thị Thủy (thôn An Bình, xã Bình Chánh), khung cảnh làm bún khô diễn ra rất nhộn nhịp. Trong khi chị Thủy say sưa xay, vắt bột thì một nhóm phụ nữ khác tất bật tráng, cắt bánh. Ngay tại khu vườn rộng lớn của gia đình, mấy lao động chia nhóm, hăng hái phơi và gom từng lọn bún khô vào giỏ. “Không ai muốn ngơi tay, ngơi chân khi nghề này đem lại thu nhập ngày càng ổn định hơn cho các lao động nữ. Mọi việc đều đặn bắt đầu từ tảng sáng bằng công đoạn ngâm gạo, xay bột và kết thúc vào ban đêm khi bún khô được tỉa tót đều đặn, cho vào bao nhỏ, chờ cân bán” - chị Thủy nói.

Sản xuất bún khô tại gia đình chị Phan Thị Thủy - xã Bình Chánh. Ảnh: V.QUANG
Sản xuất bún khô tại gia đình chị Phan Thị Thủy - xã Bình Chánh. Ảnh: V.QUANG

Theo chị Thủy, trước đây gia đình thuộc diện nghèo của xã, luôn cần sự giúp đỡ của xã hội. Cơ may đã đến khi chị được huyện Thăng Bình tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi nghề làm bún khô ở một số tỉnh phía bắc. Sau hơn một tháng học nghề, trở về quê, chị miệt mài làm bún khô. “Trước đây, gia đình sống thiếu thốn, đắp đổi qua ngày, đâu có biết dành dụm, tích lũy vốn liếng là gì. Cũng may, thông qua hội phụ nữ của xã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã được vay mấy chục triệu đồng, đầu tư, sắm sửa các thiết bị cần thiết phục vụ nghề. Dần dà, thu nhập tăng lên đáng kể. Tháng cao điểm, gia đình có nguồn thu vài chục triệu đồng” - chị Thủy chia sẻ. Từ năm 2013 đến nay, chị Thủy là một trong hàng chục gia đình đã tự nguyện xin thoát nghèo ở xã Bình Chánh.

Có mặt ở xã Bình Minh vào những ngày này dễ nhận thấy cảnh sản xuất sôi động ở các cơ sở hấp cá dù thời tiết không ủng hộ. Hàng chục lao động nữ miệt mài gánh, rửa cá, cho cá vào lò hấp rồi đem phơi trong sân nhà ông Nguyễn Văn Kiệt (tổ 5, thôn Tân An, xã Bình Minh). Nhiều phụ nữ cho biết, công việc ổn định tại đây đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Khoản thu nhập đó đã giúp cho nhiều hộ ở xã Bình Minh thoát nghèo trong thời gian qua. Theo ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, thời gian qua, xã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thông thế mạnh phát triển kinh tế từ biển. Vậy nên các ngành khai thác lẫn chế biến hải sản đều khởi sắc. Đây chính là đòn bẩy thoát nghèo của Bình Minh. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm bình quân mỗi năm, đạt 3,06% là một trong những thành tựu nổi bật của huyện trong vòng 5 năm qua, điều đó có được nhờ thực hiện đa dạng các hoạt động kinh tế.

Hướng đến bền vững

Theo ông Nguyễn Tấn Bình - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hộ nghèo trên địa bàn trong thời gian qua, nhưng điều đáng mừng là tâm lý “mong muốn” nghèo để hưởng chính sách thì rất hiếm thấy. Thăng Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng đến giảm nghèo bền vững cho người dân. “Khi việc làm được giải quyết thì người dân sẽ tăng thu nhập, ổn định đời sống. Huyện chú trọng tạo việc làm cho người dân bằng cách mở rộng sản xuất các ngành nghề truyền thống, phát triển làng nghề, hướng nghiệp và tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các tỉnh, thành trong cả nước. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền núi và bãi ngang ven biển, Thăng Bình tăng cường đầu tư các điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội làm tiền đề phát triển” - ông Bình nói.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Thăng Bình đã giảm 15,31% trong vòng 5 năm qua, từ 21,7% ở năm 2010 xuống còn 6,39% vào thời điểm này. Địa phương phấn đấu giảm nghèo bình quân mỗi năm đạt 1 - 1,5%, bắt đầu từ năm 2015. Theo đó, huyện chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội và các điều kiện thiết yếu khác, nhất là tạo động lực phát triển ở khu vực miền núi và bãi ngang ven biển.   

Điểm sáng trong công cuộc thoát nghèo của Thăng Bình trong thời gian qua là thực hiện tốt cuộc vận động “Vì người nghèo”. Phong trào đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái cũng như huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có thể kể đến hàng loạt hình thức kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội vì người nghèo như “Tháng cao điểm vì người nghèo”, “Chung tay vì người nghèo”, “Tiếp sức người nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững”. Số tiền đóng góp hơn 7 tỷ đồng trong thời gian qua đã giúp cho địa phương thực hiện xây dựng được hơn 500 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo. Chương trình tặng bò cho người nghèo đã giúp nhiều gia đình có điều kiện vươn lên, ổn định đời sống. Ông Võ Huấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết: “Trong thời gian tới, Thăng Bình sẽ đổi mới các hình thức vận động vì người nghèo. Huyện tập trung hơn nữa vào việc kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Cái đích của phong trào này là vừa tạo cơ sở vật chất cụ thể, vừa tạo thêm động lực để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống”.

Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, giảm nghèo bền vững là một trong các mục tiêu lớn của huyện trong thời gian đến. Các thành quả đạt được trong thời gian qua là cú hích mạnh để Thăng Bình triển khai các giải pháp tiếp theo. Theo đó, huyện đầu tư hơn nữa cho đào tạo nghề, nhất là khi các cụm công nghiệp, các làng nghề, các ngành thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển mạnh.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo động lực thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO