Đó là khẳng định của ông Lê Ngọc Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về tình hình phát triển nông nghiệp - nông thôn 5 năm qua và những giải pháp trọng tâm triển khai thời gian tới.
- Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng 5 năm qua giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn tăng trưởng bình quân hằng năm 3,5%. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
- Ông Lê Ngọc Trung: Hiện nay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn tỉnh canh tác khoảng 42.000ha lúa. Những năm qua, bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, các đơn vị liên quan cũng tích cực chuyển giao những gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ người dân đưa nhiều loại giống lúa mới vào gieo sạ đại trà nên Quảng Nam liên tục được mùa. Đáng ghi nhận là, thời gian qua công tác dồn điền đổi thửa tiếp tục được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 21.000ha đất lúa hoàn thành khâu này.
Các ngành, các cấp cũng đã nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn thi công hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng để quy hoạch xây dựng nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật. Nhờ đẩy mạnh liên doanh, liên kết nên mỗi năm có hàng chục doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân sản xuất 3.500 - 4.000ha giống lúa hàng hóa. Mô hình này không chỉ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mà còn giúp nhà nông có mức thu nhập tăng thêm 20 - 40 triệu đồng/ha/vụ so với gieo sạ lúa thương phẩm.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua tỉnh cũng chú trọng đầu tư thủy lợi hóa đất màu, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành những vùng sản xuất cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa tập trung. Hiện nay, tại Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành… đã quy hoạch xây dựng được rất nhiều vùng chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại hoa màu và rau củ quả với tổng diện tích khoảng 8.500ha. Bình quân mỗi năm 1ha cho thu nhập 90 - 200 triệu đồng.
Trong khi đó, lĩnh vực thủy sản cũng chuyển biến rõ nét. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.041 tàu thuyền, trong đó số tàu có khả năng hoạt động xa bờ là 750 chiếc. Năm 2019, ngư dân khai thác được 92.200 tấn hải sản các loại, tăng 14.033 tấn so với năm 2015. Những năm gần đây, nhờ người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, quan tâm chất lượng con giống đầu vào, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến nên nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao. Riêng năm 2019, cả tỉnh thả nuôi 8.000ha và tổng sản lượng đạt 22.000 tấn, tăng 2.500 tấn so với năm 2015; bình quân 1ha nuôi trồng thủy sản cho giá trị 350 triệu đồng... Kết quả tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,5% trong 5 năm qua là nỗ lực phấn đấu chung của tỉnh, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân cả tỉnh.
- Thưa ông, cùng với kết quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, chương trình trọng điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh những năm qua cũng ghi nhiều dấu ấn nổi bật?
- Ông Lê Ngọc Trung: Giai đoạn 2010 - 2019, bằng nhiều nguồn vốn huy động, tỉnh đã đầu tư hơn 29.466 tỷ đồng cho chương trình NTM, trong đó chủ yếu là xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất. Theo dự tính, đến cuối năm 2020 này, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 200 xã xây dựng NTM trên toàn tỉnh từ 16 - 16,5 tiêu chí/xã; phấn đấu cuối năm 2020 có ít nhất 116 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 58%), có 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn NTM gồm Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Phú Ninh, Duy Xuyên.
Theo ước tính, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh đạt 42 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015.
- Có một vấn đề tuy còn mới mẻ nhưng sức ảnh hưởng không hề nhỏ, đó là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP. Ông có thể cho biết kết quả ban đầu của chương trình này trên địa bàn tỉnh?
- Ông Lê Ngọc Trung: Hơn 3 năm qua, nhờ sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, Chương trình OCOP của tỉnh mang lại những kết quả tích cực. Trong 2 năm 2018 - 2019 toàn tỉnh đã có 106 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 18 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao.
Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2020 này Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp 141 sản phẩm mới và sản phẩm đã có. Phấn đấu trong năm nay có khoảng 80% số sản phẩm vừa nêu đạt hạng OCOP 3 sao trở lên và có ít nhất 3 sản phẩm gửi về Trung ương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
- Những năm tới, ngành NN&PTNT cần phải làm gì để nông nghiệp - nông thôn tạo bước đột phá mới, thưa ông?
- Ông Lê Ngọc Trung: Thời gian đến sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch ngành đã có để tích hợp chung vào quy hoạch của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng... để hình thành thêm những vùng sản xuất hàng hóa. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân và mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp để nâng cao năng lực tổ chức quản lý, hoạt động của hợp tác xã trong việc cung cấp dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản cho nhà nông. Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất nông - lâm - thủy sản. Trong đó, quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào những vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh.
Cùng với đó, tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng ưu tiên hỗ trợ phát triển mạnh các mô hình gia trại, trang trại (chủ yếu tại khu vực trung du - miền núi) gắn liền với các chuỗi liên kết về chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục rà soát, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển nông nghiệp - nông thôn, nhất là những chương trình trọng điểm như xây dựng NTM, OCOP... Từ đó, làm thay đổi diện mạo nông thôn và giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở miền núi.
- Xin cảm ơn ông!