Phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 21 (khóa XX) về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định sẽ tạo nhiều đột phá, phát triển Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Dấu ấn phát triển
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khả quan, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh sang hướng công nghiệp, dịch vụ; thu ngân sách khá; hạ tầng, nhất là giao thông trọng yếu đang tạo hiệu ứng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Sự tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp Quảng Nam có điều kiện đầu tư phát triển văn hóa, xã hội, an sinh; người dân có nhiều cơ hội, khả năng tiếp cận các dịch vụ công. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng nền kinh tế tăng trưởng chưa bền vững. Không ít chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt. Đóng góp vào tăng trưởng chủ yếu vẫn là vốn, lao động, còn năng suất tổng hợp và năng suất lao động thấp. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp thấp, chủ yếu là gia công. Vốn đầu tư thực hiện 3 mũi đột phá chủ yếu vẫn từ ngân sách, huy động vốn ngoài nhà nước khó khăn khi vốn FDI chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. PCI chưa thể lọt vào nhóm rất tốt và nguồn lao động chỉ mới đáp ứng cho các ngành thủ công đơn giản… Giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, môi trường còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khoa học công nghệ chưa trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển…
Góp ý cho định hướng phát triển Quảng Nam trong vòng 5 năm đến. Ảnh: T.D |
Ông Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng Quảng Nam thuộc tỉnh phát triển khá khu vực duyên hải miền Trung đã tạo thế và lực mới, là dấu ấn khẳng định sự tăng trưởng trong vòng 5 năm qua. Mối quan tâm hiện tại của nhiều người chính là việc cần xác định vùng đông thành động lực phát triển tốt để kéo cả “toa tàu” Quảng Nam phát triển nhưng phải xóa sự mất cân đối của kinh tế vùng, định hướng đầu tư, kết nối giao thông, tập trung phát triển thêm hai đột phá mới là xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nhất là chú ý phát triển 9 huyện miền núi cho gần kịp với miền xuôi. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang cho rằng việc thiếu khớp nối quy hoạch vùng đang là tồn tại, hạn chế của Quảng Nam. Sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong quy hoạch phát triển, xây dựng cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách và kế hoạch gia tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ doanh nghiệp FDI, tư nhân trong vòng 5 năm tới sẽ như thế nào là điều hết sức quan trọng. “Muốn trở thành một đất nước hay tỉnh công nghiệp thì vốn đầu tư, chủ yếu tư nhân phải được gia tăng. Để đầu tư cho phát triển thì cần có sự chuẩn hóa trong cơ cấu đầu tư” - đồng chí Nguyễn Ngọc Quang nói.
Tạo động lực
Theo nhận định của UBND tỉnh, cần một lộ trình cụ thể phát triển doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm đặc hữu, nâng cao hệ số sử dụng vốn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… để tạo nguồn thu bền vững. Ngay cả miền núi cũng vẫn có khả năng đột phá nếu xác định được nguồn lực và quy mô. Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng thu ngân sách khá nhưng nằm trong tình trạng thiếu vững chắc. Sự phụ thuộc vào ô tô, thủy điện và vàng vốn đang bất ổn, chỉ dựa vào thuế tiêu thụ đặc biệt, còn vàng hai năm nay không thu được và thủy điện có số thu vượt bậc nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết, không thể chủ động kế hoạch kinh doanh. Khó có thể xác định được con số cụ thể cho thu ngân sách…
Trước những phân vân, lo lắng của đại biểu về tiến trình phát triển Quảng Nam khi các chỉ tiêu đưa ra cho 5 năm tới khá cao, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh một lần nữa khẳng định Quảng Nam kiên trì mục tiêu xây dựng thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Con đường tốt nhất để tạo động lực tăng trưởng vẫn phải tiếp tục dựa vào ba mũi đột phá cộng với việc tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển miền núi bền vững, bởi hiện tại ba mũi đột phá này chưa đạt được mục tiêu và tỷ lệ nghèo còn cao. Quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh là sẽ đi sâu vào thực hiện các giải pháp giảm nghèo trong việc xác định theo hướng đầu tư cái gì, hạ tầng hay nhân lực. Không thể khẳng định con số tuyệt đối, nhưng chắc chắn đến năm 2020 sẽ không còn xã không điện, trắng trạm y tế. Không cần phải có điện lưới mà có thể thay bằng nhiều giải pháp điện khác như thủy luân, phong điện…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh, khả năng tăng thu cho ngân sách sẽ rất lạc quan khi Trường Hải đang chiếm 1/3 thị phần ô tô Việt Nam và có định hướng phát triển tốt. Một dự án nhà máy bia Quảng Nam đầu tư tại Điện Nam – Điện Ngọc đầu tháng 4 này sẽ đóng góp ít nhất mỗi năm 700 – 1.000 tỷ đồng vào ngân sách và 12 dự án mới vừa được cấp phép cũng là nguồn lực đáng kể. Đó là chưa kể đến những dự án có khá nhiều cơ hội đầu tư vào Quảng Nam như sản xuất ô tô Mazda, khí điện. Tất cả đang thương thảo, đàm phán và trình Chính phủ xin cơ chế tốt. Nếu thành công, không khí đầu tư sẽ sôi động ngay từ những năm 2015 và 2016. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh, bản dự thảo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Nam XXI sẽ tiếp tục đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, nhân dân để hoàn chỉnh, trở thành văn bản nền tảng xác định rõ đường lối phát triển Quảng Nam trong vòng 5 năm tới.
TRỊNH DŨNG