Tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin

HOÀNG LIÊN 16/09/2016 08:37

Gần 10 năm qua, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã chú trọng, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Những chuyển biến tích cực

Qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 81/2007/NQ-HĐND tỉnh về chiến lược phát triển CNTT đến năm 2015, theo ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng Quản lý CNTT (Sở TT&TT), Quảng Nam có những chuyển biến rõ nét trong ứng dụng và phát triển CNTT. Đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT từng bước được củng cố, cải thiện; triển khai ứng dụng các phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung, hình thành môi trường làm việc điện tử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Về cơ sở hạ tầng CNTT, đến nay tỉnh đã xây dựng được những hệ thống mạng nội bộ, mạng diện rộng, trung tâm tích hợp dữ liệu (data center), hội nghị truyền hình trực tuyến… phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh với cơ sở. Tại các địa phương, máy móc, thiết bị, hạ tầng từng bước được củng cố, nhiều xã đã phủ sóng wifi, internet, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành.

Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị nhà nước. Ảnh: H.L
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị nhà nước. Ảnh: H.L

Cũng theo ông Sơn, bước chuyển biến rõ nét là Quảng Nam đã đưa chỉ tiêu ứng dụng CNTT vào một trong những tiêu chí thi đua toàn tỉnh. Việc thi đua và xếp loại được tiến hành giữa khối địa phương, khối sở ban ngành, rồi tiến tới xếp loại chung toàn tỉnh, từ đó đánh giá tổng thể, báo cáo Bộ TT&TT để xếp loại thi đua giữa các tỉnh. Hiện, mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh luôn ở mức khá so với cả nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Nhận thức của các cấp, các ngành về ứng dụng CNTT có sự thay đổi rõ rệt. “Có thể nói, trên lĩnh vực quản lý nhà nước, CNTT đã phát triển rất rộng, đã hình thành môi trường làm việc điện tử. Nếu như năm 2005, ứng dụng CNTT chưa nhiều, chưa có phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp, phần mềm thông tin chỉ đạo, thì nay cơ bản đã điều hành qua mạng từ tỉnh tới cơ sở, qua phần mềm nội bộ. Việc sử dụng văn bản giấy từng bước được giảm thiểu, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Trước đây, các đơn vị không có khái niệm và chưa chú trọng đến việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đúng hẹn thì nay họ đã chú trọng. Đó là cơ sở, nền tảng hướng tới xây dựng chính quyền điện tử” - ông Sơn nói.

Thiếu nguồn lực

Bên cạnh những thành tựu nói trên, nhìn chung, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa trở thành phương tiện “đi tắt đón đầu” phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới và phát triển, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên, ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là vì kinh phí đầu tư cho CNTT còn quá nhỏ lẻ, manh mún, không theo đúng kế hoạch. Ngành CNTT chưa có sự đồng bộ trong hệ thống, mạng lưới CNTT. Tính bảo mật, hệ thống CNTT luôn đối diện với nguy cơ bị các thế lực thù địch tấn công, phá hủy, tính bảo mật chưa được đồng bộ, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Một hạn chế lớn nữa trở thành lực cản trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh là mạng lưới, hạ tầng CNTT chưa có sự liên thông, tích hợp với nhau, thiếu tổng thể, chưa triển khai được khung phần mềm dùng chung nên hiệu quả trong cải cách hành chính chưa cao. Tuy nhiên, nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trên không phải là một sớm một chiều, đặc biệt là cần đầu tư nguồn lực thích đáng.

Gần đây, việc UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 với mức phê duyệt 47,5 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản 45,3 tỷ đồng và chi phí nguồn sự nghiệp 2,2 tỷ đồng. Đây là “cây gậy” để đưa ngành CNTT của tỉnh từng bước thoát khỏi những hạn chế, yếu kém nói trên, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử và cải cách nền hành chính công. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực cần được chú trọng, bám sát các mục tiêu trọng điểm. Theo kế hoạch đặt ra, phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam thực hiện 3 đột phá về ứng dụng, phát triển CNTT gồm: triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với xây dựng chính phủ điện tử 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và cung cấp dịch vụ trực tuyến ở mức cao kết hợp với hệ thống “một cửa điện tử”. Dự án xây dựng chính quyền điện tử gồm 3 hạng mục chính: phát triển hạ tầng thông tin, ứng dụng CNTT trong quản lý, đào tạo cán bộ và đào tạo chuyên gia CNTT đang trong giai đoạn khởi động. Giai đoạn 2016 - 2020, Sở TT&TT xác định 8 nhóm công việc cần được triển khai như: xây dựng trung tâm dữ liệu và hệ thống bảo mật; nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình; xây dựng khung kiến trúc nền tảng và trục tích hợp hệ thống ứng dụng chính phủ điện tử theo hướng chuẩn mở... Sở TT&TT đang tích cực hỗ trợ một số đơn vị bước đầu triển khai chính thức hoặc thử nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 như Công an tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn và UBND TP. Tam Kỳ, Sở TT&TT, Sở KH&CN, Sở GTVT, Sở TN&MT…

Theo ông Phạm Hồng Quảng, Sở TT&TT tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng đề án khu liên hợp CNTT - điện tử - truyền thông tỉnh. Cùng với đó, Sở TT&TT đang bắt tay cùng với các đơn vị xây dựng trung tâm hành chính công của tỉnh, trước mắt sẽ thí điểm mô hình trung tâm hành chính công một cấp, làm đầu mối tập trung thực hiện việc hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức giải quyết và nhận, trả kết quả cho các cá nhân, tổ chức. Đây là nền tảng quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, thông suốt…

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO