Tạo đột phá từ ứng dụng khoa học công nghệ

KHẢI KHIÊM 30/06/2021 07:37

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, huyện Đông Giang đề ra việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất và đời sống, xem đó là một trong những khâu đột phá.  

Người dân xã Sông Kôn được hướng dẫn trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen. Ảnh: K.K
Người dân xã Sông Kôn được hướng dẫn trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen. Ảnh: K.K

Kết quả bước đầu

Vườn ươm giống ớt A riêu (một sản vật bản địa nổi tiếng) có công suất 240 nghìn cây/năm đã hình thành tại thôn A Sờ của xã Mà Cooih, do Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Mà Cooih quản lý. Đây là một trong nhiều kết quả gặt hái từ thực hiện đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa tại Đông Giang.

Những người làm đề tài trước đó đã khảo sát, đánh giá thực trạng canh tác, bảo quản và chế biến cũng như đặc điểm thực vật học, yêu cầu sinh thái, thành phần dinh dưỡng của ớt. Sau đó HTX được chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống bằng hạt, trồng, chăm sóc theo hướng nông nghiệp an toàn.

Theo bà Hốih Thị Lía - Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, đơn vị trước mắt ươm 80 nghìn cây/năm theo kiểu “gối vụ” để cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng quanh năm. Đề tài KHCN này áp dụng trên thực tế, từng bước giải quyết tình trạng khan hiếm nguyên liệu chế biến ớt A riêu, với các sản phẩm như muối ớt A riêu, tương ớt A riêu, ớt A riêu muối măng… 

Ngoài ớt A riêu, đề tài cấp tỉnh khác về nghiên cứu, phát triển và chế biến cây chè dây Ra zéh trên địa bàn xã Tư đã nghiệm thu, chuyển giao, giúp nguồn nguyên liệu cho chế biến chè dây dồi dào hơn, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, giúp người dân xã Tư giảm nghèo bền vững, góp phần về đích nông thôn mới.

Ứng dụng KHCN ở Đông Giang còn tiến hành trên cây trồng, con vật nuôi chủ lực khác, như bảo tồn và phát triển giống heo đen địa phương tại xã Kà Dăng. Hay với cây lòn bon, việc tác động bằng biện pháp kỹ thuật đã giúp năng suất cây ổn định, giảm độ chua vốn có. Nhiều đề tài cấp huyện nay nhân rộng, như trồng bắp bằng phân vi sinh, trồng và sơ chế cây mật nhân.

“Đông Giang chọn ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, huyện đã phối hợp triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài KHCN về cây, con đặc trưng bản địa vùng cao” - ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ.

Ông Hồ Quang Minh cho biết thêm, huyện cũng tổ chức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chế biến rượu Tà Vạt (xã Jơ Ngây); trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cây nghệ đen (xã Sông Kôn); tuyển chọn các giống dâu tây và xây dựng mô hình trồng cây dâu tây (xã Tư).

Áp dụng rộng hơn

Các đề tài ứng dụng KHCN phát triển các đặc sản địa phương ở Đông Giang được Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện tham mưu và phối hợp, triển khai nghiên cứu, hỗ trợ thực hiện nhân rộng.

Ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng cho hay, lợi thế về thực hiện đề tài là bám sát thực tế, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tập quán sản xuất của người dân, cho nên sẽ dễ nhân rộng. Những cây, con được nghiên cứu đều phù hợp với quy hoạch chung về phát triển nông - lâm nghiệp, cây dược liệu của tỉnh và huyện. Do mang tính đặc trưng bản địa, sản phẩm sẽ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.   

Việc ứng dụng, nhân rộng đề tài KHCN còn tác động phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn, vừa nâng cao giá trị cây, con mà người dân làm ra. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Huy chia sẻ, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang có đặt vấn đề bao tiêu trái lòn bon và ớt A riêu để phục vụ du khách. Đối với đề tài cây dâu tây, khâu tuyển chọn giống thích hợp để trồng nếu hoàn thành sẽ nhân rộng, qua đây cải thiện sinh kế nông hộ, kinh tế địa phương, du lịch sinh thái/nông nghiệp và tạo mô hình cảnh quan kiểu mẫu nông thôn.

Đông Giang tổ chức hoặc tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ; kết nối bày bán ở các siêu thị, địa điểm du lịch... Cùng với đó, xúc tiến các thủ tục, quy trình để tham gia thi chọn sản phẩm OCOP (hiện đạt chuẩn 3 sao có ớt A riêu, chè dây Ra zéh, chè túi lọc Ra zéh); đăng ký thực hiện tạo lập, quản lý, phát triển quyền sở hữu công nghiệp; đăng ký hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hữu Sanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Giang, hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất. Kèm theo đó sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn, hỗ trợ để nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ưu tiên thúc đẩy sản phẩm chủ lực theo thế mạnh từng vùng.

Đặc biệt, hội vận động nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng do chính đơn vị quản lý gồm “lúa Ba Trăng Đông Giang”, “lòn bon Kà Dăng Đông Giang”, “rượu Ka Kun Đông Giang” và “Chuối mốc Đông Giang” để bà con mở “nút thắt” thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo đột phá từ ứng dụng khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO