Tạo dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm nông nghiệp

MAI LINH – PHI THÀNH 29/04/2022 08:50

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và bền vững, thời gian qua huyện Duy Xuyên tập trung tổ chức lại sản xuất, phát huy vai trò chủ đạo của các hợp tác xã và doanh nghiệp trong định hướng cơ cấu cây trồng gắn với đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản, từng bước giúp nông dân tăng mức thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác. 

Những năm qua, huyện Duy Xuyên ưu tiên nguồn lực bê tông hóa hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: T.L
Những năm qua, huyện Duy Xuyên ưu tiên nguồn lực bê tông hóa hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: T.L

Hiệu quả từ liên kết sản xuất ớt

Những ngày này, trên cánh đồng Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên), nhà nông tập trung thu hoạch ớt đông xuân 2021 - 2022. Bà Lê Thị Sáu – người dân địa phương cho biết, vụ này gia đình canh tác 3 sào ớt, bình quân đạt hơn 1,3 tấn quả/sào.

“Hiện nay, giá ớt bán cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lệ Bắc là 7 nghìn đồng/kg, cao hơn 2 nghìn đồng so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Mùa này, bình quân 1 sào ớt tôi thu về hơn 9 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 6 triệu đồng/ sào. Nhờ tham gia liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị nên nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm, không còn bị tư thương ép giá như trước đây” - bà Sáu chia sẻ.

Nhiều hộ dân khác ở xã Duy Châu liên kết trồng ớt với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cũng rất phấn khởi vì HTX Nông nghiệp Lệ Bắc đại diện đứng ra thu mua sản phẩm với mức giá bằng hoặc cao hơn thị trường.

Theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp, nếu giá ớt trên thị trường tăng sẽ tiến hành thu mua theo giá thị trường. Còn khi giá ớt trên thị trường tụt giảm mạnh, hợp tác xã vẫn thu mua với giá sàn thấp nhất là 4 – 5 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Nhàn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cho biết, vụ đông xuân này đơn vị liên kết với HTX Nông nghiệp Lệ Bắc tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất 25ha ớt theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn tuân thủ thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với nhà nông.

“Chúng tôi thu mua ớt đến đâu, tiến hành thanh toán tiền cho người dân đến đó. Thời gian tới, đơn vị mong muốn các cấp, ngành ở huyện và tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích liên kết sản xuất, không chỉ dừng lại trên cây ớt. Và chúng tôi cam kết đồng hành cùng bà con nông dân trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi” - ông Nhàn nói.

Nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc HTX Duy Sơn cho biết, vụ đông xuân 2021 – 2022, nông dân trên địa bàn canh tác tổng cộng 278ha lúa. Trong đó, bố trí 40ha liên kết sản xuất lúa giống với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Bình và dự kiến mùa này sản lượng lúa giống đạt khoảng 150 tấn khô. Với giá bán cho doanh nghiệp 8.700 đồng/kg thì tổng doanh thu đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, cao hơn 25% so với làm lúa thương phẩm.

Mô hình liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông. Ảnh: T.L
Mô hình liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông. Ảnh: T.L

Hiện HTX Duy Sơn đang tiến hành các thủ tục để đầu tư lắp đặt hệ thống lò sấy lúa giống với kinh phí dự kiến 883 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng, phần còn lại là nguồn vốn đối ứng của đơn vị. Sau khi hoàn thành, hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa lên ít nhất 60ha/vụ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn 2017 - 2021, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện Duy Xuyên phối hợp triển khai 35 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 29 chuỗi theo chương trình nông thôn mới, 6 chuỗi còn lại thực hiện theo cơ chế hỗ trợ của các nghị quyết HĐND tỉnh với tổng diện tích 650ha, gồm: lúa giống, rau củ quả và hoa màu…

Từ thành công của mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) trong việc HTX xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, năm 2022 này huyện Duy Xuyên tiếp tục thực hiện 6 dự án liên kết sản xuất, gồm: 3 dự án triển khai năm thứ hai là sản xuất lúa giống (Duy Hòa), trồng dâu nuôi tằm và rau củ quả (Nam Phước) với diện tích 185ha; 3 dự án thực hiện năm thứ nhất là sản xuất cây đinh lăng (Duy Hòa), lúa giống (Duy Trung) và trồng sen (Duy Thành) trên diện tích 59ha.

Ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, hình thành chuỗi liên kết giá trị có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

Ông Tường nhấn mạnh: “Để phát triển bền vững trong tương lai, ngành nông nghiệp nỗ lực bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, phát triển nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, hướng đến phát triển nền kinh tế số đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng nông sản; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xây dựng thành công sản phẩm OCOP”.

Tính đến gần cuối tháng 4.2022, Duy Xuyên đã bê tông hóa hơn 260km kênh mương thủy lợi với tổng kinh phí đầu tư gần 130 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 115 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của huyện nỗ lực kéo 140km đường dây điện ra các cánh đồng với kinh phí 15,5 tỷ đồng, phục vụ bơm tưới cho 1.178,5ha đất màu…

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như xã viên của các HTX triển khai sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO