Ngày 24/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, ít nhất 20% số quy định và chi phí theo yêu cầu của Chính phủ.
Các sở, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết, các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt, đề xuất các giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Việc này phải hoàn thành trước 30/9/2023.
Chỉ tham mưu trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, duy trì TTHC thật sự cần thiết. Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực thực hiện TTHC, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (lấy người dùng làm trung tâm), tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả.
Không chỉ thống kê rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC nội bộ, các sở, ban, ngành, địa phương công khai minh bạch chính xác, kịp thời thông tin về TTHC và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC để dân chúng và doanh nghiệp biết, tiếp cận, giám sát, đánh giá.
Tăng cường trách nhiệm giải trình, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm, công bố công khai cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý, gây khó người dân, doanh nghiệp.
Nỗ lực cải cách hành chính từ phức tạp đến đơn giản trong nhiều năm qua là thực tế không ai phủ nhận. Tuy nhiên, việc cắt giảm số giờ hay quy định mới là những tính toán trên giấy tờ.
Quan trọng hơn hết là cần một cuộc cách mạng trong tư duy của các bộ công quyền là không đẩy khó khăn, tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp, dân chúng mới là điều cốt lõi của mọi cải cách. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – nguyên Chủ tịch VCCI Việt Nam nói doanh nghiệp là “ân nhân” của chính quyền là điều không lạ gì với một chính quyền phục vụ.
Doanh nghiệp tạo ra của cải, vật chất, việc làm, tăng trưởng kinh tế và ngân sách thì cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải bắt đầu từ cải cách công bộc. Sẽ chẳng doanh nghiệp nào phàn nàn về môi trường đầu tư địa phương, nếu như tất cả cơ quan công quyền đều toàn tâm, đủ năng lực thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và tôn trọng các “hợp đồng” đã cam kết trước sự công minh và áp dụng luật pháp một cách nhất quán.
Ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ là chỉ dấu tốt về năng lực điều hành của chính quyền. Nếu từng công chức, viên chức chưa thay đổi về trách nhiệm, ý thức công bộc thì chính quyền có đưa ra những sáng kiến, cam kết, quyết tâm hay bao nhiêu chỉ thị, văn bản... sẽ không có nghĩa. Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép, cải cách đều vô nghĩa.