Sau hơn hai thập niên tiếp cận và gặt hái được nhiều thành tựu, đã đến lúc những người làm du lịch Quảng Nam ngồi lại cùng nhau để tạo ra phân khúc sản phẩm mang đặc trưng, hướng đến thị trường khách cao cấp nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Nam.
Định hình nền tảng
Với khởi điểm lợi thế từ du lịch văn hóa, di sản, thời gian gần đây sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn đã tạo ra thêm các sản phẩm vui chơi, giải trí đẳng cấp, góp phần tạo ra nét mới mẻ cho điểm đến Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, như khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Land Nam Hội An, công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An – Ký ức Hội An…
Ngoài ra, với mục tiêu nâng tầm dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, các đơn vị lưu trú cao cấp dọc theo bờ biển đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các thương hiệu quốc tế lớn về khách sạn toàn cầu như Accor, Marriot hay Four Season… để tạo ra một dải resort đẳng cấp chuyên phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp.
Với việc đưa vào vận hành khu khách sạn cao cấp TUI Blue Nam Hội An (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) Tập đoàn Thiên Minh tiếp tục thể hiện cam kết thúc đẩy du lịch khu vực phía nam theo hướng bền vững, dựa trên chất lượng khách hàng để phát triển du lịch cao cấp.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh chia sẻ, với mục tiêu đón khoảng 100 nghìn lượt khách lưu trú mỗi năm tại đây thì chỉ cần kết nối khoảng 10 đến 15% số khách này lan tỏa ra các điểm đến lân cận cụ thể là làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) với chi tiêu bình quân 100 đến 150 USD/ngày là đã có thể vừa tạo ra giá trị kinh tế lại đảm bảo tính bền vững cho điểm đến sinh thái.
Bên cạnh đó, xu thế thiết kế các cơ sở lưu trú nương vào cảnh quan thiên nhiên đang dần trở nên phổ biến và là một giải pháp để tạo ra phân khúc lưu trú cao cấp.
Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho hay: “Tôi đi khảo sát một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… nơi có nhiều điều kiện tương đồng để phát triển du lịch như chúng ta thì người ta đã đi trước về xu thế này từ rất lâu và hằng năm đón một lượng khách cao cấp rất lớn với giá phòng có thể lên đến vài nghìn đô la/đêm. Chúng ta có thừa tiềm năng để phát triển theo hướng này nên cần phải học hỏi, áp dụng theo đặc trưng của mình thay vì quá chú trọng “bê tông hóa” các điểm đến”.
Cao cấp đến từ sự bình dị
Là đơn vị hiếm hoi có kinh nghiệm tổ chức các sản phẩm du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh, nhiều năm nay Emic Hospitality vẫn duy trì hiệu quả tour du lịch “bữa tiệc đồng quê” gắn với mùa lúa chín ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An với số lượng khách giới hạn và phải đặt hàng trước từ rất lâu nếu muốn được trải nghiệm. Và “nguyên liệu” của dòng sản phẩm cao cấp này gồm đàn trâu, cánh đồng lúa, bà mẹ quê, lão vạn chài…, những thứ rất đỗi bình dị nhưng có thể trở thành sản phẩm “nghìn đô” nếu biết cách sáng tạo và khơi dậy các nét đẹp văn hóa.
Với cộng đồng địa phương, họ cũng được hưởng lợi rất nhiều khi nhận chi phí từ việc cho thuê cánh đồng lúa chín, cộng tác để phục vụ trong sự kiện và sau đó lại được thu hoạch phần lúa chín sót lại sau khi “bữa tiệc” kết thúc.
Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An chia sẻ: “Nếu biết cách thiết kế sản phẩm, người làm du lịch đôi khi chỉ cần tạo ra một giấc ngủ trên cánh đồng hoang cũng có thể bán được sản phẩm với giá vài nghìn đô la cho dòng khách truyền thống châu Âu vốn rất ưa thích Hội An”.
Theo Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương: “Để nâng tầm thương hiệu cho du lịch địa phương, có khoảng 4 đến 5 đơn vị lữ hành, lưu trú, sự kiện tại Hội An đang trao đổi, hợp tác với mong muốn tạo ra gói sản phẩm “nghìn đô” trong tương lai gần và quãng nghỉ bởi dịch Covid-19 tạo điều kiện cho chúng tôi ngồi lại để sớm đẩy nhanh dự án này”.
Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc điều hành Công ty Jack Trần Tours chia sẻ, không đơn thuần là cho thuê phòng, chúng tôi muốn đưa gói các sản phẩm dịch vụ cao cấp để khách trải nghiệm thay vì chỉ ở, nghỉ dưỡng. Và các gói sản phẩm cao cấp này hoàn toàn có thể hướng ra khỏi khu vực đô thị cổ Hội An để tổ chức tại Cù Lao Chàm hay lên khu vực rừng núi phía Tây tổ chức bữa ăn bên dòng suối, câu cá, khám phá rừng sâu…
Bước đi cho tương lai
Tại hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam – Thời cơ và thách thức”, PGS-TS. Phạm Trung Lương – Viện Du lịch bền vững Việt Nam nhận định, Quảng Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một điểm đẳng cấp tương ứng với những thị trường khách cao cấp. Tuy nhiên việc chạy theo số lượng khách vẫn hiện hữu ở hầu khắp cả nước. Một phần trong lượng khách đông đảo đến Quảng Nam thời gian qua không phải là thị trường khách mà chúng ta thực sự mong muốn.
“Quảng Nam cần cải thiện nhiều thứ để đón các phân khúc du khách vừa đóng góp kinh tế vừa tôn trọng văn hóa lại có thể giúp chúng ta học hỏi ngược từ họ để cải thiện sản phẩm mà trong du lịch chúng tôi hay gọi đây là chiến lược hướng đến thị trường mục tiêu” - PGS-TS.Phạm Trung Lương nói.
Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, quan điểm của ngành du lịch Quảng Nam là phát triển tạo ra giá trị, đặc trưng để cạnh tranh trên các sản phẩm văn hóa, di sản, biển đảo, cộng đồng và lan tỏa dần về hướng nam, hướng tây. Khi các khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, TUI Blue Nam Hội An hay khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động có thể sẽ trở thành động lực để du lịch khu vực này sôi động và dần nâng cao giá trị hơn thay vì bỏ ngỏ như hiện nay.