Tạo giống và nuôi thương phẩm cá niên

BÍCH LIÊN 02/10/2018 06:56

Cá niên là chủng loài nằm trong sách đỏ thế giới, được xếp vào nhóm NT, gần như bị đe dọa biến mất cao do suy giảm nghiêm trọng về chủng loài. Việc triển khai các giải pháp bảo tồn loài, thử nghiệm sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá niên được Quảng Nam và một số nơi quan tâm song kết quả đem lại còn khiêm tốn.

Đặc sản cá niên ở vùng núi Quảng Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng chủng loài. (Ảnh minh họa)
Đặc sản cá niên ở vùng núi Quảng Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng chủng loài. (Ảnh minh họa)

Trước yêu cầu bức thiết về tạo nguồn giống cá niên, bảo tồn nguồn gen đặc hữu núi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đề tài “Thử nghiệm sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá niên” do ThS. Nguyễn Công Dưỡng - Trung tâm Chọn giống cá rô phi (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) và cộng sự được triển khai trong 3 năm (2015 - 2018).

Suy giảm chủng loài

Cá niên thuộc họ cá chép, có hình dáng trung gian giữa cá chép và cá mòi, có nhiều vảy trắng vàng óng ánh bạc, sống theo bầy đàn và cư trú tập trung nhiều ở vùng nước sâu dọc các con sông, suối đầu nguồn, các ghềnh đá, chân thác có bọt nước tung trắng xóa. Cá phân bố nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Thức ăn chính của cá niên là rêu và con hà đá. Kích cỡ của cá niên trung bình chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái người lớn. Tại một số vùng như Trà Bồng, Tây Trà của Quảng Ngãi và một số vùng của các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và xã Tam Trà (Núi Thành), cá niên đặc sản đôi lúc được đánh bắt có kích cỡ to đến 2 - 3 ngón tay của người lớn. Thịt cá trắng vàng, hơi nhiều xương hom nhưng thơm, béo, bộ ruột có vị đắng rất riêng. Đặc sản cá niên có thể dùng kèm rau rừng như rau dớn, rau rắp, rau tàu bay, lộc vừng…

Trong quá trình triển khai đề tài “Thử nghiệm sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá niên”, ThS. Nguyễn Công Dưỡng và cộng sự đã điều tra vùng phân bố của cá niên tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Núi Thành. Theo ThS. Dưỡng, nhiều nơi ở các huyện nói trên, cá niên gần như không xuất hiện kể từ khi xây dựng đập thủy điện Sông Tranh. Đặc biệt, xã Tam Trà (Núi Thành) địa bàn có mật độ sông suối dày đặc, nước chảy mạnh, vùng giáp với Trà Bồng - Quảng Ngãi và Nam Trà My - Quảng Nam là nơi xuất hiện nhiều cá niên. “Chính việc khai thác tận diệt dùng kích điện, mìn nổ cùng với sự xuất hiện của các hồ thủy điện đã làm mất môi trường sống tự nhiên của cá niên và sự thay đổi của các yếu tố môi trường, làm suy giảm nguồn thức ăn tự nhiên, hủy hoại bãi đẻ của cá niên là tác nhân khiến chủng loài này bị suy giảm nghiêm trọng” - ThS. Dưỡng nói.

Khó tạo giống và nuôi

Từ thực tiễn thử nghiệm khó tạo giống và nuôi, ThS. Dưỡng đề xuất: “Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng và thức ăn cho cá niên nhằm nâng cao hiệu quả nuôi vỗ, sinh sản và ương nuôi cá niên từ giai đoạn cá bột đến cá giống và từ cá giống tới cá thương phẩm. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình bảo tồn nguồn gen cá niên bằng các dự án/đề tài phát triển nguồn gen cá niên trên khu vực Trung Trung Bộ như tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi”.

Trước thực trạng nêu trên, đề tài “Thử nghiệm sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá niên” tập trung vào các mục tiêu chính là: điều tra mùa vụ sinh sản và bãi đẻ tự nhiên của cá niên tại Quảng Nam; thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá niên, thu gom cá niên bố mẹ tại 4 huyện miền núi nói trên phục vụ quá trình sinh sản tự nhiên và sinh sản nhân tạo. Đề tài cũng thực nghiệm ương giống cá niên từ cá bột đến cá giống, thử nghiệm nuôi cá thành thục; xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá niên và đánh giá hiệu quả kinh tế, đề xuất quy trình nuôi thương phẩm cá niên phù hợp với điều kiện tỉnh.

Việc tạo giống cá niên trên cơ sở cho cá niên bố mẹ sinh sản tự nhiên lẫn nhân tạo trong bể xi măng được nhóm nghiên cứu thực hiện nhiều đợt. Qua 3 năm, nhóm nghiên cứu cùng với người đánh bắt cá niên vùng núi thu gom được 1.500 cá bố mẹ ngoài tự nhiên, trong đó 180 con phục vụ thử nghiệm liều lượng kích dục tố, 1.320 con phục vụ thử nghiệm sinh sản và số còn lại thử nghiệm nuôi tái thành thục. Nhóm nghiên cứu xây dựng 2 mô hình với 2 phương pháp cho cá đẻ tự nhiên và nhân tạo (đẻ vuốt) để so sánh hiệu quả. Nhóm cũng thu gom được 3.200 con cá niên giống cỡ trên 7g/con phục vụ nuôi thương phẩm và đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình.

ThS. Nguyễn Công Dưỡng cho biết, qua thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá niên bằng phương pháp đẻ vuốt, tỷ lệ cá nở đạt hơn 25%, trong khi tỷ lệ nở ở phương pháp đẻ tự nhiên đạt hơn 28%. Lượng cá bột thu được, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm ương nuôi đến cỡ cá hương với tỷ lệ sống của cá bột đẻ vuốt đạt 78,08% và tỷ lệ sống của cá bột đẻ tự nhiên đạt 53,33%. Tỷ lệ sống của cá niên từ cá hương đến cá giống đạt 53,19%. Ở mô hình nuôi thương phẩm cá niên (một mô hình nuôi cá giống từ đánh bắt tự nhiên và một mô hình nuôi cá giống từ sinh sản nhân tạo). Qua 15 tháng nuôi, ở mô hình nuôi cá niên có nguồn gốc tự nhiên, cá có tốc độ tăng trưởng 56,06g/con và tỷ lệ sống đạt 76,46%. Còn mô hình nuôi từ nguồn cá sinh sản nhân tạo tốc độ tăng trưởng đạt 60,05g/con, tỷ lệ sống đạt 61,25%.

Thành công của đề tài nằm ở nỗ lực bảo tồn nguồn gen, bảo tồn nguồn giống cá niên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt số lượng trong tự nhiên. Để đánh giá được hiệu quả tạo giống và hiệu quả kinh tế từ nuôi cá niên thương phẩm, cần có nghiên cứu chuyên sâu. Bởi, ở mô hình nuôi thương phẩm cá niên, tỷ lệ sống của cá vẫn còn ở mức thấp.

BÍCH LIÊN

Nuôi thương phẩm không hiệu quả

ThS. Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Núi Thành:

Trước đó, ngành nông nghiệp huyện Núi Thành và người dân xã Tam Trà đã có nhiều ý tưởng nuôi thương phẩm cá niên song do đây là loài cá quá nhạy cảm, quá khó nuôi, tạo giống, dù giải pháp tạo giống, giảm áp lực từ việc khai thác tự nhiên cạn kiệt đã được huyện Núi Thành đặt ra. Với cá niên, chỉ nên nuôi theo hình thức cho sinh sản tự nhiên, loại bỏ phương pháp kích dục vì độ tin cậy thấp. Cần thêm nhiều thông tin giàu tính khoa học về đặc tính sinh học, mùa vụ sinh sản của cá niên, xây dựng quy trình ương nuôi khoa học. Dù hướng đi của đề tài là cần thiết trong việc bảo vệ nguồn lợi cá niên, nhóm nghiên cứu đã có những nỗ lực rất lớn, song chỉ có thể xây dựng quy trình và nhân rộng mô hình trong thực tiễn khi có kết quả thuyết phục, không nên chuyển giao kết quả khi tỷ lệ thành công trong ương, nuôi còn thấp.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN:

Đây là chủng loài khó tạo giống, khó nuôi, khó nghiên cứu và đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có tỷ lệ tạo giống và nuôi thương phẩm thành công như mong đợi. Cá niên sinh sản nhân tạo có tỷ lệ sống thấp; việc thuần dưỡng, nuôi cá và cho ăn thức ăn công nghiệp cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Cần có khuyến cáo có nên ứng dụng biện pháp nhân giống bằng sinh sản nhân tạo hay chỉ nên đưa cá tự nhiên và tạo giống tự nhiên. Dù thành công từ đề tài chưa như mong đợi song đây là cơ sở, nền tảng cho những nghiên cứu về sau, đặc biệt là công tác bảo tồn nguồn gen chủng loài quý hiếm này.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam:

Về nuôi thương phẩm cá niên, cần tính toán kỹ lưỡng hơn để khuyến cáo người dân có nên nuôi hay không. Bởi lẽ từ thực tiễn đề tài, nếu tính đến hiệu quả kinh tế thì nuôi đối tượng cá niên sẽ khó có lãi vì chi phí đầu tư từ con giống, thức ăn, tỷ lệ chết cao, thời gian nuôi còn kéo dài. Còn ở góc độ bảo tồn nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học thì đề tài đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết, nhưng cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu.(HOÀNG LIÊN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo giống và nuôi thương phẩm cá niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO