Từ những thành công bước đầu, huyện Thăng Bình nhân rộng mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn với lộ trình và các giải pháp thiết thực.
2 mô hình thí điểm
Hạn chế lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh nói chung, huyện Thăng Bình nói riêng, trong nhiều năm qua là hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và thủ công. Do chưa mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa các khâu trong lao động nông nghiệp nên chưa tạo được các cánh đồng lớn, cánh đồng tập trung, vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Điểm yếu đó khiến cho các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư tạo ra liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hệ lụy là giá trị kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích còn thấp. Trên địa bàn huyện Thăng Bình, hiện có nhiều trường hợp nông dân chuyển nhượng ruộng đất để đi làm những công việc khác ngoài nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, những yếu kém từ thực tiễn sản xuất đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất mà tích tụ ruộng đất là đòn bẩy, tất yếu khách quan. Chỉ có vậy mới có thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, dịch chuyển lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, qua đó góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ áp dụng cơ giới hóa, tạo sản phẩm hàng hóa lớn. Ảnh: N.Q.V |
Thực tế năm 2016, huyện Thăng Bình đã triển khai 2 mô hình tích tụ ruộng đất tại xã Bình Đào và thị trấn Hà Lam. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai nhân rộng trên toàn huyện. Tại xã Bình Đào, vụ đông xuân 2015 - 2016, năng suất lúa đạt 63tạ/ha, cao hơn 11 tạ/ha so với trước. Giá trị thương phẩm đạt 47 triệu đồng/ha tăng gần 16 triệu đồng/ha so với vùng không tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất giống lúa trước đó. Ở vụ hè thu, giống VN121 đạt năng suất 65tạ/ha, trong khi trước đó chỉ đạt 55tạ/ha. Sản xuất đậu phụng đạt năng suất 34tạ/ha, so với năng suất ở các năm trước đó chỉ đạt 17,6 tạ/ha. Tính giá trị kinh tế trên 1ha thì trồng đậu phụng L23 trên đất tập trung đạt 85 triệu đồng so với 58 triệu đồng của cây đậu phụng trồng manh mún. Đối với mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất trên 10ha tại thị trấn Hà Lam, liên kết sản xuất lúa giống với doanh nghiệp hiệu quả, tạo cơ sở để nhân rộng trong vụ đông xuân năm 2016 - 2017. Năng suất đã đạt được cao hơn hẳn so với cánh đồng chưa tích tụ ruộng đất. Công lao động cũng giảm đi nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc thực hiện cơ giới hóa cũng thuận tiện hơn. Trong khi đó, mô hình liên kết sản xuất lúa lai tại xã Bình Tú cũng cho thấy kết quả khả quan. Giá trị sản phẩm trên cánh đồng này cao gấp 3 lần so với sản xuất lúa thương phẩm mà không có liên kết sản xuất.
Lộ trình phù hợp
Thực tế triển khai tích tụ, tập trung ruộng đất ở xã Bình Đào và thị trấn Hà Lam đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm cần được tham khảo và vận dụng. Thứ nhất là hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, thống nhất quan điểm chỉ đạo, cùng một tiếng nói, cùng hành động, sát với thực tế và linh hoạt từng trường hợp cụ thể, qua đó tạo nên sự đồng thuận của nhân dân ngay từ đầu khi triển khai thực hiện. Thứ 2 là xác lập và bảo hộ tính pháp lý giữa người dân tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất với hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp liên kết sản xuất trong thời gian dài. Thứ 3 là công khai, minh bạch quyền và nghĩa vụ của người dân tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất liên kết sản xuất với HTX và giữa HTX với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức sản xuất. Cuối cùng là vai trò liên doanh, liên kết của doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đây là yếu tố quan trọng có tính quyết định sự thành công trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất để liên kết sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, sẽ có 3 hình thức triển khai nhân rộng tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông sản hàng hóa trong thời gian đến. Theo đó, người dân có thể cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian không trực tiếp lao động. Thứ 2 là người dân tự nguyện góp đất, cùng tiến hành tổ chức sản xuất, kinh doanh và cùng hưởng lợi thành quả sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước thu hồi đất để cho các doanh nghiệp thuê đất sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2017, huyện sẽ triển khai trên tổng diện tích 160ha. Trong đó, tại xã Bình Đào, tiếp tục thực hiện 20ha đã có và mở rộng thêm 20ha để tổ chức liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với cây đậu phụng. Tại thị trấn Hà Lam, sẽ triển khai trên tổng diện tích 40ha, tại các tổ 7, tổ 13 và tổ 15 sẽ cơ cấu cây trồng gồm cây lúa với 33ha và 7ha trồng cây đậu phụng trong vụ đông xuân và các loại dưa vào vụ hè thu. Các xã khác cùng tham gia triển khai là Bình Sa (30ha), Bình Nam (30ha), Bình Trung (20ha). Từ năm 2018 đến năm 2025 sẽ tăng dần diện tích triển khai lẫn các địa phương tham gia cho cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn.
Đồng bộ giải pháp
Tạo thuận lợi cho sản xuất Trong những năm qua, huyện Thăng Bình đã dồn điền đổi thửa được 6.300ha đất, chỉnh trang lại đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để sản xuất được thuận lợi. Huyện đã xây dựng 8 cánh đồng mẫu lớn ở các xã Bình Tú, Bình Chánh, Bình Giang, Bình Trung, Bình Nam, Bình Quý, Bình Nguyên, Bình Đào, trong đó có 7 cánh đồng sản xuất lúa, 1 cánh đồng sản xuất đậu phụng. Các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa qua 2 - 3 vụ đã cho năng suất tăng 10 - 15tạ/ha. Cánh đồng đậu phụng năng suất tăng 5 - 10tạ/ha. Địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sản xuất tập trung theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông sản sạch. |
Theo UBND huyện Thăng Bình, để triển khai hiệu quả lộ trình tích tụ, tập trung ruộng đất thì trước hết phải có quy hoạch khoa học, bài bản trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch khác có liên quan. Tiếp đó sẽ quy hoạch từng cánh đồng, xây dựng bản đồ quy hoạch cho từng vùng trên cơ sở bản đồ hiện trạng. Cơ cấu cây trồng phải được bố trí cho hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với điều kiện đất đai tại các khu vực trong vùng quy hoạch. Sau đó, phải tính đến quy hoạch cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa sản xuất, đường giao thông nội đồng, cơ sở chế biến sau thu hoạch của loại cây trồng khác nhau, cũng như công cụ sản xuất, máy móc, thiết bị khác. Đáng chú ý là xây dựng các công trình thủy lợi cho nông nghiệp gồm hệ thống cung cấp, tưới tiêu hợp lý cho riêng từng loại cây trồng. Ngoài những chính sách, chủ trương được Nhà nước ban hành, huyện Thăng Bình sẽ chú trọng tạo niềm tin cho các nông hộ tham gia bằng cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh lo ngại về quyền lợi của họ đối với diện tích đất được tích tụ, tập trung.
Theo Huyện ủy Thăng Bình, đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất đòi hỏi nhất thiết phải chú trọng tăng cường liên kết sản xuất. Trong các mô hình liên kết, liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) là quan trọng nhất, có vậy mới đáp ứng các điều kiện cần và đủ khi xây dựng nền nông nghiệp quy mô, hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn. Để có được điều đó nhất thiết phải nâng cao nhận thức của người dân và tạo sự thống nhất trong chỉ đạo của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở. “Cần có liên kết "4 nhà" mà nhà doanh nghiệp là hạt nhân, mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết. Cần tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Cần có các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia mô hình liên kết và rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học”, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói. Huyện cũng đang tập trung ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất, giống mới trên cánh đồng lớn thông qua các kênh khuyến nông, trồng trọt, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp cũng như thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Bên cạnh đó là các giải pháp khoa học kỹ thuật cho từng loại cây trồng cụ thể và theo từng phương án tích tụ, tập trung ruộng đất riêng tại mỗi địa phương, mỗi cánh đồng, từng loại đất và mùa vụ khác nhau.
NGUYỄN QUANG VIỆT