Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam năm 2024 đã ghi nhận 66 sản phẩm chất lượng. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam ngày càng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng để mở rộng thị trường.
Ghi nhận 66 sản phẩm
Theo Ban tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu Quảng Nam, năm nay có 74 sản phẩm của 61 cơ sở ở 12 huyện, thị xã, thành phố tham gia, tăng 7 sản phẩm so với năm 2023. Các sản phẩm tham gia được chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1 là sản phẩm thủ công mỹ nghệ (nguyên liệu từ gỗ, mây, tre, lá, cói, lục bình, đất, đá, kim loại, sợi các loại, nông sản), có 30 sản phẩm tham gia dự thi của 26 cơ sở. Nhóm 2 là sản phẩm bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống (nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ sản phẩm nông, lâm, thủy sản) có 44 sản phẩm tham gia dự thi của 35 cơ sở.
Trong tổng số 74 sản phẩm dự thi, có 66 sản phẩm đạt chất lượng cao (đạt điểm trung bình từ 70 điểm trở lên). Trong đó, nhóm 1 có 30 sản phẩm của 26 cơ sở và nhóm 2 có 36 sản phẩm của 28 cơ sở. Ban giám khảo đã thống nhất chọn 20 sản phẩm có chất lượng cao hơn gồm 10 sản phẩm nhóm 1 và 10 sản phẩm nhóm 2 để tiếp tục bình chọn các giải thưởng A, B, C và Khuyến khích.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại cho biết, đây là minh chứng rõ nét cho sức sáng tạo, tinh thần đổi mới không ngừng của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm CNNT Quảng Nam tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững vị thế cạnh tranh trên thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu.
Vươn xa trên thị trường
Những năm qua, bột bánh xèo, bánh tráng “Bà tôi”, mỳ Quảng khô của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Quang Minh (thôn Phú Bình, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) được UBND tỉnh nhiều lần vinh danh là sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh.
Sản phẩm bột bánh xèo đã đạt OCOP 3 sao, đang được HTX nâng cấp lên 4 sao. Các loại hàng hóa trên đều được chế biến đạt tiêu chuẩn Haccp Codex đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Lê Thị Hà - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Quang Minh cho biết, đơn vị chế biến các sản phẩm với tâm thế luôn vận động thay đổi, nâng cấp cả về chất lượng lẫn mẫu mã.
Nhờ khẳng định chất lượng, các loại hàng hóa của HTX đã có mặt ở khắp thị trường cả nước, nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng. “Rất vui mừng là các sản phẩm CNNT của HTX đã được ghi nhận là hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Nhờ được vinh danh, hàng hóa của HTX khẳng định vị thế, nâng cao cạnh tranh trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận” - bà Hà nói.
Sản phẩm khay trà của nghệ nhân Nguyễn Tấn Quý (thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, Duy Xuyên) vừa được Bộ Công Thương vinh danh là sản phẩm CNNT tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên. Các sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh Quý nhiều năm qua cũng được UBND tỉnh chọn là sản phẩm tiêu biểu của Quảng Nam.
Anh Quý cho biết, trung bình mỗi tháng xuất xưởng khoảng 10 tác phẩm mộc mỹ nghệ có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy theo loại gỗ, công phu trong từng sản phẩm. Có những tác phẩm anh Quý điêu khắc hơn 4 tháng. “Các sản phẩm được UBND tỉnh vinh danh tạo cơ hội tiếp cận thị trường nên có nhiều khách hàng hơn trước” - ông Quý nói.
Theo ghi nhận, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu Quảng Nam thời gian qua đã chứng minh được tính cần thiết và trở thành động lực cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở CNNT nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để rộng mở thị trường. Các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh là những sản phẩm chất lượng, có tính chuyên nghiệp cao, mang tính đặc trưng của từng địa phương và đại diện cho Quảng Nam trên thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Thời gian qua, ngành công thương Quảng Nam hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý, hướng dẫn ứng dụng sản xuất sạch hơn. Đặc biệt là hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm CNNT; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sản phẩm, ngành hàng, thị trường…