Tạo lực đẩy cho tín dụng chính sách

VIỆT NGUYỄN 16/09/2022 09:01

Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ vừa được UBND tỉnh tổ chức đã đánh giá, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tạo lực đẩy cho tín dụng chính sách trong thời gian tới.

Từ nguồn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: H.QUANG
Từ nguồn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: H.QUANG

“Phao cứu sinh” của hộ nghèo

Năm 2016, chị Hồ Thị Hề (dân tộc Ca dong, thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My) tham gia vào Tổ tiết kiệm & vay vốn, được bình xét vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My. Từ nguồn vốn này, chị đầu tư nuôi 2 con bò giống và trồng 2ha keo lá tràm.

Sau 5 năm chăm sóc, đàn bò phát triển được 4 con, gia đình bán bớt 2 con để trang trải chi phí và làm nhà ở. Năm 2020, gia đình chị Hề bán rừng keo và tiếp tục vay vốn chính sách 50 triệu đồng để đầu tư trồng cây quế Trà My và xen canh cây sắn cao sản. Đến nay gia đình chị có hơn 10 nghìn cây quế, 3ha sắn cao sản và 2 con bò sinh sản.

“Hiện nay gia đình tôi đã có nhà ở khang trang, thu nhập hằng năm từ 50 - 70 triệu đồng và thoát nghèo. Tôi ghi ơn ngân hàng chính sách và trả nợ đúng hạn” - chị Hề nói.

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đề xuất Trung ương cân đối nguồn vốn phù hợp, đáp ứng đủ để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; xem xét ban hành cơ chế tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống; nâng mức cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn tối đa 100 triệu đồng, không phải bảo đảm tiền vay; nâng mức cho vay chương trình nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn tối đa 20 triệu đồng/công trình...

Đến ngày 31.8, tổng nguồn vốn chính sách Quảng Nam đạt 6.177 tỷ đồng, thực hiện 19 chương trình tín dụng, tổng dư nợ 6.163 tỷ đồng, gần 164 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, chính sách còn dư nợ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, tín dụng chính sách đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, chính sách; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, nhất là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho rằng, bên cạnh nhiều thành quả, có thể nhận diện các “điểm nghẽn” là nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tuy đã được quan tâm tăng hàng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu của hộ nghèo, chính sách.

Mức cho vay một số chương trình chưa đáp ứng như cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn và nước sạch & vệ sinh môi trường...

Tạo cú hích mới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam tiếp tục quán triệt, triển khai tốt các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, trong đó đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực để cho vay theo hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo, chính sách.

Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm.

Ảnh: H.QUANG
Ảnh: H.QUANG

Theo đồng chí Phan Việt Cường, cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH trong đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vốn hiệu quả.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong tổ chức thực hiện tín dụng chính sách; đồng thời, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân để đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế.

“Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cần phấn đấu 100% hộ nghèo, chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ. Cần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia” - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Về triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ bình quân hàng năm từ 8 - 10%; tăng tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương/tổng nguồn vốn tối thiểu bằng mức bình quân chung toàn quốc là 10%; nguồn vốn ngân sách bổ sung năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân hằng năm tối thiểu 20%. Tổ chức giải ngân kịp thời vốn chính sách, hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng hàng năm, gắn tăng trưởng dư nợ đi đôi với an toàn nguồn vốn...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo lực đẩy cho tín dụng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO