(Xuân Tân Sửu) - Hoạt động hiệu quả của các tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) là một trong những nhân tố quan trọng giúp chủ trương giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi của tỉnh có sức lan tỏa.
Chuyển biến ở Nam Trà My
Vườn quế 10 năm tuổi của gia đình anh Hồ Văn Hên (thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My) đến kỳ thu hoạch với diện tích hơn 1ha, dự kiến cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Trước đây, qua tổ TK&VV thôn 1 (xã Trà Vân), anh Hên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Trà My. Ban đầu anh đầu tư trồng chuối, với cách lấy ngắn nuôi dài, dần dà đã xây dựng vườn quế. “Thành quả gia đình tôi có được là nhờ có sự đồng hành của tổ trưởng tổ TK&VV, giúp tôi từ vốn vay đến kỹ thuật trồng trọt” - anh Hên nói.
Người tổ trưởng mà anh Hên nói tên là Hồ Văn Thuận, cũng là người Ca Dong như anh. Anh Thuận đã thoát nghèo từ năm 2015, là “ngọn cờ đầu” của công cuộc thoát nghèo ở xã Trà Vân. Anh Thuận cho biết, tổ TK&VV do anh làm tổ trưởng hiện có 49 hộ vay vốn chính sách với dư nợ 2 tỷ đồng để triển khai các mô hình trồng quế, chăn nuôi bò, trồng chuối, trồng keo..., đều đem hiệu quả. Đến nay, toàn tổ đã có 10 hộ thoát nghèo, số hộ đăng ký thoát nghèo trong năm 2021 lên đến 39 hộ.
Trong sinh hoạt tổ TK&VV, anh Thuận thường xuyên nhắc nhở bà con phải siêng năng làm ăn, nhất là biết lắng nghe, chia sẻ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. “Tất cả hộ vay vốn đều phải ký cam kết trả lãi và gửi tiết kiệm đúng hạn. Trước khi cho vay vốn, chúng tôi bình xét rất rõ ràng, cụ thể. Trong quá trình sản xuất của người dân, chúng tôi kiểm tra, giám sát rất kỹ theo phương châm “3 hộ khá kèm 1 hộ yếu” để thoát nghèo bền vững” - anh Thuận nói.
Một điển hình tổ trưởng tổ TK&VV khác không thể không nhắc đến là anh Nguyễn Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My). Từ năm 2005, anh Lượng vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My để khởi đầu nghề trồng sâm Ngọc Linh, đến nay có nguồn vốn hàng chục tỷ đồng.
Hiện tổ TK&VV do anh Lượng làm tổ trưởng có 29 hộ vay với tổng dư nợ 1,2 tỷ đồng đều trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả. Các hộ vay trong tổ trả lãi hằng tháng và có số dư tiết kiệm hơn 3 triệu đồng/hộ. Riêng anh Lượng đã có số dư tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng. Anh cho biết tiền thu từ bán sâm trong thời gian tới sẽ được gửi thêm để ngân hàng cho những hộ khó khăn vay làm ăn tốt, thoát nghèo. “Các thành viên trong tổ TK&VV phải là những người ruột rà, đồng hành, tiếp sức lẫn nhau, chung tay xây dựng mô hình kinh tế” - anh Lượng nói.
Cú hích thoát nghèo
Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, ủy thác cho vay thông qua các tổ TK&VV là mấu chốt để nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng với hơn 3.500 tổ TK&VV, hơn 130 nghìn hộ vay, chiếm đến 99,8% tổng dư nợ.
Chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ở Quảng Nam được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao với 96,32% tổ xếp loại tốt, 3,45% tổ xếp loại khá, chỉ có 0,23% tổ trung bình và không có tổ xếp loại yếu. “Với hoạt động hiệu quả của các tổ TK&VV, nguồn vốn ưu đãi sẽ tiếp tục đến với hộ nghèo Quảng Nam, làm đòn bẩy thoát nghèo bền vững” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho rằng, ủy thác vốn vay thông qua hoạt động của các tổ TK&VV đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đồng tình hưởng ứng, giúp chủ trương thoát nghèo bền vững của tỉnh được thực hiện thông suốt. Đây là giải pháp sáng tạo, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của hoạt động tín dụng CSXH, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội ở các làng quê vùng cao...