Tạo lực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

V.NGUYỄN - D.LỆ 27/12/2019 09:12

Chủ trì hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và cơ khí chế tạo Quảng Nam”, diễn ra tại TP.Tam Kỳ hôm qua 26.12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, những đề xuất, kiến nghị tâm huyết của doanh nghiệp sẽ giúp địa phương có nhiều định hướng phát triển trong thời gian đến.

Quang cảnh hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và cơ khí chế tạo Quảng Nam”. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quang cảnh hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và cơ khí chế tạo Quảng Nam”. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đóng góp chưa nhiều

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Quảng Nam hình thành khá sớm, có mặt trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô, dệt may - da giày, điện - điện tử, hóa chất...

Ông Đỗ Minh Tâm - Giám đốc Khối Cơ khí (Công ty Thaco - Chu Lai) cho biết, doanh nghiệp đang liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp CNHT tại Quảng Nam, khu vực miền Trung và cả nước trên 5 lĩnh vực là ô tô & cơ khí; đầu tư xây dựng; nông - lâm nghiệp; logistics; thương mại - dịch vụ. Mục đích là hình thành cộng đồng doanh nghiệp kết nối, hợp tác chuyển giao công nghệ, hoàn thiện chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Riêng hợp tác về cơ khí, Thaco đảm nhận công đoạn sản xuất, gia công, cung ứng các sản phẩm cơ khí nông lâm nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp theo đúng thiết kế của khách hàng. 

Theo ông Đỗ Minh Tâm, liên doanh, liên kết là con đường tất yếu của Thaco nhằm phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, phát triển CNHT trên nền tảng cơ khí chế tạo là mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược.

“Với triết lý kinh doanh “mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội và góp phần phát triển kinh tế đất nước”, chúng tôi cam kết hỗ trợ tích cực, sẵn sàng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển ngành cơ khí Việt Nam - ngành xương sống của các ngành công nghiệp khác; qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, cả nước nói chung” - ông Đỗ Minh Tâm nói.

Theo TS. Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), CNHT có vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp. CNHT giúp tăng tính chủ động của nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng và là cách thức căn bản để gia nhập mạng lưới sản xuất toàn cầu. Hiện nay, CNHT đã trở thành vấn đề trọng tâm, được Chính phủ ban hành các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, CNHT Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối đa hóa sản xuất trong nội địa. Số lượng doanh nghiệp CNHT còn ít, chưa đáp ứng kỳ vọng phát triển. Để tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này, Quảng Nam cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng và lựa chọn các sản phẩm, giải pháp phù hợp. 

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, CNHT trên địa bàn Quảng Nam có giá trị sản xuất còn thấp, năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp hạn chế, chủng loại sản phẩm nghèo nàn. Đối với ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa còn rất thấp, phụ thuộc quá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu (90%). Tương tự, CNHT ngành cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh còn yếu.

“Từ thực tế phát triển trong thời gian qua kết hợp với xu hướng hội nhập và triển vọng phát triển thời gian tới, có thể thấy rằng phải giải quyết nhiều vấn đề đặt ra để thúc đẩy phát triển CNHT ở Quảng Nam” - ông Nguyễn Quang Thử nói.

Giải pháp phát triển

TS. Trương Thị Chí Bình cho rằng, mấu chốt để thúc đẩy phát triển là cùng với nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT đặc thù thì Quảng Nam cần tăng cường thu hút đầu tư vào ngành này.

Theo đó, thứ nhất là điều tra, nghiên cứu nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp về sản phẩm CNHT, xem đó là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chiến lược, chương trình phát triển sản xuất CNHT của tỉnh. Thứ hai, tập trung hoàn thành và phát triển trung tâm cơ khí ô tô quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai cộng với hình thành các khu - cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các dự án CNHT ngành cơ khí chế tạo và dệt may. Cùng với đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án sản xuất CNHT bằng cách tạo điều kiện thuận lợi, bảo lãnh tín dụng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay dài hạn để đầu tư, phát triển.

Về thu hút đầu tư CNHT, bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, rút ngắn các thủ tục hành chính, quan trọng là thu hút đầu tư từ các tập đoàn, công ty lớn và các công ty vệ tinh của các tập đoàn này; khuyến khích các công ty FDI, tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam đầu tư vào Quảng Nam. Ngoài ra, chú ý tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút nhà đầu tư nội địa vào các lĩnh vực CNHT.

Bên cạnh đó, theo TS. Dương Đình Giám - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, để phát triển CNHT, ngoài dệt may và cơ khí, Quảng Nam cần xác định thêm các ngành, lĩnh vực ưu tiên và cần được điều chỉnh để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công nghiệp nói chung. Thực hiện điều đó, nhất thiết phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đào tạo tại chỗ như cách làm của Thaco hoặc thu hút nhân lực trong và ngoài nước về địa phương làm việc với các đãi ngộ phù hợp.

“Khi CNHT đã phát triển, Quảng Nam cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ kết nối cung cầu, thông tin thị trường sản phẩm và phát triển các cụm liên kết ngành” - TS. Dương Đình Giám nói.

Lắng nghe và ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, hội thảo giúp tỉnh định hình vị thế CNHT và sẽ có các giải pháp phát triển phù hợp. Quảng Nam sẽ nỗ lực định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT đến tỉnh đầu tư nâng cao khả năng thích ứng, đón đầu các xu thế mới. Tỉnh sẽ hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ sau đầu tư, các dịch vụ xã hội kèm theo đối với doanh nghiệp CNHT.

“Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ giúp Quảng Nam phát triển CNHT theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, góp phần đưa Quảng Nam trở thành khu vực động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là CNHT cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo lực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO