Tảo mộ

18/01/2016 09:15

Tảo mộ, ấy là chuyện làm sạch mồ mả, bằng các việc nhổ cỏ, quét dọn, tu bổ sửa sang phần mộ ông bà tổ tiên. Người dân quê hay gọi nôm na là “giẫy mả”. Vì sao mà có tục giẫy mả? Vì “sống cái nhà, già cái mồ”, mồ mả là cái nhà, nơi trú ngụ thế giới bên kia của con người, ai rồi cũng đến đó dù sớm hay muộn, giàu cũng như nghèo (!). Do vậy, cái nhà phải lo dọn dẹp sạch sẽ mỗi khi tết đến xuân về.Thường ở Quảng, việc tảo mộ tiến hành trước khi “chạp mả”, tức là ngày hội giỗ cho tất cả ông bà tổ tiên trong một dòng họ, hoặc nhánh tộc họ. Có vùng thì chọn tiết thanh minh, “thanh minh trong tiết tháng ba/lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” (Kiều - Nguyễn Du). Có nơi, như nhiều tộc họ ở vùng cát Điện Bàn quê tôi, bước vào tháng Chạp là rậm rịch giẫy mả, chạp mả. Có lẽ chữ nghĩa tháng Chạp là do chuyện chạp mả mà ra (?).  Ngày trước nhà nông quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, nên chỉ có mấy dịp để thăm viếng mồ mả là vào trước các ngày giỗ chạp. Mả chủ yếu là mả đất (sè sè nắm đất bên đàng), trải suốt mùa mưa nắng nên cỏ lên xanh um (xanh như cỏ mả). Rồi có khi ít được giẫy mả nên cỏ mọc lên mấy mùa, úa tàn lớp này lên lớp khác (dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh).Ngày nay, do đời sống khá lên, nhiều người lo xây sửa mồ mả cho khang trang. Mả xây kiên cố, có chỗ còn đổ bê tông mái che mưa nắng. Vì thế, dường như không còn chỗ để cỏ mọc. Vậy, chuyện giẫy mả, tảo mộ nghe ra là việc thừa thãi? Không phải, người ta vẫn đến thăm mả, có thể chùi sạch meo mốc bám trên thành mộ, quét lại vôi ve, sơn kẻ lại lòng linh bia mộ mà các con chữ nhạt nhòa ghi tên người đã khuất... Không nhọc công mấy, nhưng nhân chuyện giẫy mả, những người già muốn con cháu tụ về để nhắn gửi sự tiếp nối truyền thống dòng tộc, phát huy giá trị ứng xử văn hóa trong niềm tri ân với ông bà tiên tổ. Cái công đức dưỡng dục được nhắc mãi như một nguyện thề gìn giữ  “nồi hương bát nước” thờ tự các đấng sinh thành.Có điều đời sống hiện đại, nhiều người phải đi xa tìm kế mưu sinh, nên tháng chạp thường quá ư bận rộn, “ngày làm tháng ăn”, lại lo chuẩn bị tết nhứt, việc giẫy mả bây giờ khó kêu con cháu về đầy đủ. Những cuộc điện thoại của anh em từ quê nhà gọi về giẫy mả, biết “không có mợ chợ vẫn đông” nhưng sao không về được lại áy náy vô cùng. Lòng chợt thấy như “cỏ hoang vu” mọc lên trong tâm khảm...Dọn cỏ rác cho nơi yên nằm của người đã khuất cũng là chuyện dọn mình tâm hồn lắng đọng yêu thương. Bởi cái việc đó, tưởng chẳng đem lại đồng tiền bát gạo gì nhưng lại là giá trị sống, gợi nhắc ta biết quý yêu nguồn cội. Một nhà thơ đã viết “không yêu họ hàng yêu chi nổi nhân dân”, dường như cái giềng mối đó luôn là điều xao động trong dòng đời trôi đi bất tận ở phương Đông. Vậy nên ở bên Tây, đến mùa quê nhà chạp mả, rồi tết đến xuân về, người xa xứ lại chạnh lòng với thân phận tha hương.NGUYỄN ĐIỆN NAM
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tảo mộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO