Tạo "môi trường" cho nghề nuôi tôm

NGUYỄN QUANG VIỆT 16/02/2017 09:11

Nghề nuôi tôm nước lợ đã đem lại cơ hội nâng cao thu nhập cho nhiều người, nhưng quá bấp bênh. UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, định hướng, cơ chế để phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng bền vững.

BÀI 1: ĐIỂM YẾU HẠ TẦNG

Hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ là yếu tố căn bản quyết định thành bại của mùa vụ. Trong khi đó, do nguồn lực có hạn nên Nhà nước và người dân chưa thể đầu tư đồng bộ, nên rất cần những bước đi cụ thể, hợp lý để dần cải thiện hạ tầng.

Sơ sài, manh mún

Theo lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ 2017 được Sở NN&PTNT ban hành, vụ 1 chính thức bắt đầu từ ngày 1.2. Dạo quanh các cánh đồng tôm trên địa bàn tỉnh vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy không khí sản xuất nhộn nhịp, khẩn trương. Các vùng hạ triều ven sông Trường Giang đoạn đi qua huyện Thăng Bình sôi động hẳn, người dân tập trung cải tạo ao và thả tôm giống. Ông Lê Trung Kiên (thôn Cây Mộc, xã Bình Dương, Thăng Bình) cho biết, ở vụ này, gia đình thả nuôi 350.000 con tôm giống trên tổng diện tích 5.000m2. “Tôi nuôi tôm ở vùng triều ven sông rất khó khăn. Sau khi nạo vét ao nuôi kỹ, tôi đã phơi ao trong vòng 20 ngày, diệt khuẩn triệt để. Do nguồn nước ven sông Trường Giang ngày càng ứ đọng nên chúng tôi đã tranh thủ lúc nắng, lấy nước vào ao lắng, xử lý mầm bệnh. Thời tiết sau tết nắng nóng nên thuận lợi cho vụ nuôi này” - ông Kiên nói. Theo ông Kiên, những năm qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng hết sức bấp bênh, vụ được ít, vụ mất nhiều. “Nếu Nhà nước hỗ trợ vốn cộng với đối ứng của người dân, qua đó kiện toàn lại hạ tầng vùng nuôi tôm thì mới mong cải thiện tình hình” - ông nói.

Hạ tầng vùng nuôi tôm của tỉnh còn sơ sài. Ảnh: N.Q.V
Hạ tầng vùng nuôi tôm của tỉnh còn sơ sài. Ảnh: N.Q.V

Điểm yếu lớn nhất của nghề nuôi tôm nước lợ Quảng Nam là hạ tầng vùng nuôi quá sơ sài. Do nguồn nước lấy vào ao nuôi tôm từ các sông bị ô nhiễm nặng, trong khi đó hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức, không có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt, không có hệ thống lắng lọc và xử lý chất thải nên bệnh trên tôm nuôi rất dễ phát sinh và lây lan nhanh thành dịch. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, trong tổng số 105ha ao nuôi tôm của toàn huyện, không vùng nuôi nào có hạ tầng bài bản. Huyện khuyến cáo nông hộ không nhất thiết phải nuôi tôm bằng mọi giá mà có thể chuyển sang một số đối tượng mới như cua, cá dìa, cá chẻm. “Hạ tầng vùng nuôi tôm không đảm bảo khiến cho môi trường nước ao nuôi dễ biến động.

Đầu tư tập trung

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, nuôi tôm nước lợ ở địa phương rơi vào tỉnh cảnh “không đâu vào đâu” suốt một thời gian dài. Nguyên nhân chỉ vì thiếu nguồn lực, phụ thuộc vào quỹ đất giao cho Khu kinh tế mở Chu Lai nên huyện loay hoay, không biết xoay xở ra sao để khắc phục điểm yếu cố hữu là nuôi nhỏ lẻ, tự phát, được chăng hay chớ. Ông Hương kiến nghị: “Muốn kiện toàn lại hạ tầng vùng nuôi tôm thì phải quy tụ đất, dồn điền, đổi thửa, nuôi tôm tập trung, sản xuất hàng hóa lớn. Sở Tài nguyên - môi trường cần “bật đèn xanh” để chúng tôi phối hợp và hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết, qua đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi cho họ. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới có thể triển khai dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng tập trung nuôi tôm. Chỉ khi có vùng tập trung rồi thì hạ tầng vùng nuôi với các yếu tố điện, đường, nước, thủy lợi, bờ bao, bờ thửa, kênh cấp, kênh thoát nước mới có thể được đầu tư thỏa đáng”.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hạ lưu các dòng sông trên địa bàn tỉnh đã bị ách tắc từ lâu nay khiến nguồn nước nuôi tôm quanh khu vực hạ triều không đảm bảo. Người dân với khả năng huy động vốn có hạn thì không thể cải thiện được tình thế trong điều kiện sản xuất quá bấp bênh như hiện nay. Phương án khả dĩ là phải nuôi tôm tập trung, qua đó Nhà nước và người dân cùng đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, Quảng Nam có đến 8.000ha ao nuôi sản xuất hằng năm thì không thể tập trung một lúc mà phải tiến hành từng bước một, thí điểm trên phạm vi tập trung 10ha rồi sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đồng tình với giải pháp này và yêu cầu huyện Núi Thành: “Tỉnh huy động nguồn lực lên đến hơn 40 tỷ đồng, đầu tư xây dựng thí điểm vùng nuôi tôm tập trung ở thôn Diêm Trà (xã Tam Tiến, Núi Thành). Mọi điều kiện đã xong thì phải dừng vì lý do không đáng có là người dân không đồng thuận. Huyện Núi Thành phải có văn bản trả lời cụ thể, hạn chót là giữa tháng 2 này. Nếu không vận động được thì tỉnh sẽ chuyển sang xây dựng vùng nuôi tôm tập trung ở xã Bình Sa (huyện Thăng Bình)”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hậu quả của nuôi tôm phân tán là quá lớn, phải khẩn trương chỉnh trang lại bài bản. Các địa phương ven biển phải nhanh chóng họp dân, tuyên truyền, vận động, cho các nông hộ thấy rằng tập trung ruộng đất để nuôi tôm hàng hóa lớn chỉ vì mục đích duy nhất là đem lại hiệu quả sản xuất cao cho chính họ. Quan điểm của tỉnh là sẽ hỗ trợ tối đa cho người nuôi qua các cơ chế đã ban hành như hỗ trợ đầu tư hạ tầng; hỗ trợ mua con giống chất lượng; quy trình nuôi sạch theo hướng VietGAP và cả hỗ trợ khi không may bị dịch bệnh. Ông Lê Trí Thanh cho biết, dự kiến trong tháng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và đoàn công tác sẽ vào Quảng Nam để bàn, thống nhất với tỉnh phương án đầu tư thủy lợi, cấp nước. Các hộ nuôi tôm sẽ được cung cấp nguồn nước bài bản phục vụ sản xuất. Về điện, ngành điện đã thống nhất cung cấp đủ điện 3 pha, tạo thuận lợi cho nuôi tôm của người dân.

BÀI 2: KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG CON GIỐNG

Ngoài hạ tầng, nguồn tôm giống được xem là kiều kiện cần để đi đến thành công của nghề nuôi tôm nước lợ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Các ao nuôi tôm của gia đình ông Phạm Đức Nghĩa (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải, Núi Thành) luôn được người nuôi tôm đến tham quan vì hiếm khi thất bại. Ông Nghĩa cho biết, trong năm 2017 sẽ tiến hành 3 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 3ha. Ở vụ 1, ông Nghĩa bố trí 5 ao nuôi có cùng diện tích 4.000m2. Phần diện tích còn lại, ông bố trí 2 ao chứa lắng và 1 ao xử lý nước thải. Để cung cấp đủ oxy cho ao nuôi tôm thâm canh có mật độ 100 con/m2, ở mỗi ao nuôi, ông Nghĩa bố trí 4 dàn quạt sục khí tầng mặt và 1 dàn sục khí tầng đáy. “Tôi chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng bằng giống tôm C.P có chất lượng tốt, đã qua kiểm định. Tôm giống được thả từ sáng sớm sau khi thăm dò chuẩn độ mặn, độ pH, kiềm. Dự kiến sau 3 tháng chúng tôi sẽ thu hoạch” - ông Nghĩa nói. Phương châm nuôi tôm của ông Nghĩa là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bởi vậy, con giống là ưu tiên hàng đầu, con giống sạch sẽ khó nhiễm bệnh khi các công đoạn nuôi tôm đều chu toàn. Ngay sau khi thả nuôi tôm, ông Nghĩa chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ đo môi trường nước, lấy mẫu kiểm tra 2 lần trong ngày, ổn định môi trường nước. Đề phòng những ngày nắng nóng tôm nuôi bị sốc, ông trữ sẵn vitamin, chế phẩm sinh học, bổ trợ cho tôm nuôi khi cần thiết.

Mô hình ương nuôi tôm giống của hộ ông Trần Công Thành ở xã Tam Hòa, Núi Thành. Ảnh: V.Q
Mô hình ương nuôi tôm giống của hộ ông Trần Công Thành ở xã Tam Hòa, Núi Thành. Ảnh: V.Q

Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, điều quan trọng nhất trong nuôi tôm nước lợ là yếu tố con giống. Trước khi vào vụ mới, ngành thủy sản của huyện đã khuyến cáo người nuôi tôm chỉ nên sử dụng con giống chất lượng được mua từ các thương hiệu tốt như C.P. U.P. Con giống thả nuôi phải được kiểm tra kỹ càng, loại bỏ những con giống kém vận động trước khi thả nuôi. Ông Sơn cho rằng, để vụ nuôi suôn sẻ thì cần phải giám sát chặt chẽ thị trường tôm giống. “Quản lý tôm giống chỉ thuộc chức trách cấp tỉnh. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, ngành thủy sản tỉnh cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tôm giống, bắt giữ và xử phạt ngay các lô hàng tôm giống vận chuyển về Quảng Nam mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là chưa qua kiểm dịch” - ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cái thế yếu bấy lâu tồn tại mà chưa thể khắc phục được là người nuôi tôm bị động về con giống. Chỉ có những hộ nuôi tôm lớn, quy mô công nghiệp mới được các công ty cung cấp giống uy tín thỏa thuận bán giống. Còn những hộ nuôi với diện tích nhỏ thì phải mua tôm giống từ chợ, tôm giống trôi nổi. “Nhiều nông hộ nuôi tôm chạy đôn chạy đáo vào các tỉnh xa xôi như Bình Thuận, Khánh Hòa mua tôm giống. Mua tôm đã khó, vận chuyển càng khó hơn. Tỉnh cần thu hút đầu tư để doanh nghiệp tạo con giống sạch ngay trên địa bàn” - ông Hương nói.

Chủ động nguồn giống

Sau khi dự hội nghị “Phát triển ngành tôm Việt Nam” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Cà Mau trở về, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin, đã liên hệ mời nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư tạo tôm giống sạch ở Quảng Nam. Theo ông Lê Trí Thanh, các doanh nghiệp sẽ đầu tư, lấp đầy 20ha tại khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam. Con giống sạch sẽ thúc đẩy phát triển ngành tôm của tỉnh. Từ thành công của mô hình ương nuôi tôm giống sạch do ông Trần Công Thành đầu tư ở xã Tam Hòa (Núi Thành), sẽ nhân rộng, đầu tư trên phạm vi 15ha ở thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến, Núi Thành), qua đó cung cấp giống tôm tại chỗ cho các hộ nuôi.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, toàn tỉnh có 52 cơ sở ương nuôi tôm giống, cung cấp ra thị trường gần 1 tỷ con giống mỗi năm. Do kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán và mới chỉ dừng lại từ ương nuôi post nhỏ lên post lớn nên không đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực, xây dựng được khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) có quy mô 20ha và đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo nguồn giống sạch. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam thông tin, sau quá trình tìm hiểu, hoàn thiện thủ tục, dự kiến trong tháng 2 này, doanh nghiệp tư nhân Long Thịnh Hưng sẽ xúc tiến đầu tư tạo nuôi tôm giống sạch trên diện tích 2ha, bước đầu giúp địa phương tự chủ về giống tôm sạch, cung cấp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh. “Tạo tôm giống sạch là nhu cầu lớn của nghề nuôi tôm nước lợ Quảng Nam. Chúng tôi đã thông báo rộng rãi chủ trương của tỉnh kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tạo con giống sạch vào khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản” - bà Tâm nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, chi phí để nuôi được 1kg tôm thẻ chân trắng theo tính toán tốn tối đa là 75 nghìn đồng, trong khi đó giá tôm thương phẩm chưa bao giờ giảm xuống dưới mức 100 nghìn đồng/kg (loại 100 con tôm/kg). Lợi nhuận là rất lớn trong khi tiềm năng của tỉnh rất dồi dào, có hàng nghìn héc ta nuôi tôm. “Thị trường tôm xuất khẩu ngày một mở rộng, Chính phủ cũng đã thống nhất chủ trương, khuyến khích ngành nuôi tôm nên chúng ta cần khẩn trương tạo cú hích cho nghề này. Đi trước, đón đầu để tận dụng cơ hội lớn là “kim chỉ nam” của Quảng Nam lúc này” - ông Lê Trí Thanh nói.

BÀI 3: TẦM NHÌN DÀI HẠN

Nuôi tôm không gây ô nhiễm môi trường, nuôi theo quy hoạch, chủ động sản xuất từng vụ là tầm nhìn xa để phát triển toàn diện, bền vững.

Bài bản, khoa học

Năm 2016, bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi ở các địa phương trong tỉnh. Các bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), bệnh do vi rút đốm trắng (WSSV), bệnh do vi bào tử trùng đã khiến cho 140ha ao nuôi tôm bị thiệt hại mà chưa có giải pháp kiểm soát triệt để. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, muốn nuôi tôm bền vững, điều căn cơ đầu tiên là phải dựa vào Quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, từ đó các giải pháp phải thực tế, sát sườn chứ không được máy móc, chung chung đại khái.

Nuôi tôm công nghiệp, đầu tư bài bản đem lại lợi nhuận kinh tế lớn. Ảnh: V.Q
Nuôi tôm công nghiệp, đầu tư bài bản đem lại lợi nhuận kinh tế lớn. Ảnh: V.Q

Từ quy hoạch, vấn đề chuyển đổi, mở rộng, tập trung diện tích đất nuôi tôm nước lợ; công tác tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên tôm; việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư thủy sản phải quy chuẩn hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Sở Tài nguyên - môi trường phải bắt tay ngay vào việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao hoặc cho thuê đất ổn định, lâu dài để người dân cũng như các doanh nghiệp, tổ chức nuôi tôm khác yên tâm đầu tư nuôi tôm. Các tiêu chí nuôi tôm không tác động xấu đến môi trường cũng phải cập nhật, phổ biến tốt. Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ nghiên cứu kỹ, tham mưu UBND tỉnh xây dựng các tuyến đê dọc sông Trường Giang kết hợp làm đường giao thông nội đồng. Cùng với đó, nghiên cứu kè ngoài đê bằng các loại cây ngập mặn phù hợp để chống xói lở, khôi phục cảnh quan, môi trường, rừng ngập mặn vốn có trước đây, góp phần đảm bảo sinh thái sạch.

Có rất nhiều việc cần phải kiện toàn trong nuôi tôm. Quan trọng là phải xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm quanh con tôm. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu tôm nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người nuôi tôm ổn định đầu ra. Ngoài ra cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm thương phẩm ngay tại Quảng Nam để tăng giá trị con tôm. Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: “Tỉnh xúc tiến và có doanh nghiệp đồng ý đầu tư cơ sở chế biến tôm xuất khẩu. Việc này sẽ diễn ra ở 2 đầu của tỉnh là Tam Quang (Núi Thành) và Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Tôi nhận thấy ở vựa tôm lớn nhất nước là đồng bằng sông Cửu Long, người ta nuôi tôm thưa đem lại lợi nhuận lớn hơn nuôi tôm dày như chúng ta. Nuôi tôm thưa thì có thể tăng vụ, giảm chi phí mà cỡ tôm cũng lớn hơn, 1kg tôm cỡ 40 con có giá hơn gấp đôi 1kg tôm cỡ 100 con thì tại sao không áp dụng?” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh gợi ý.

Chủ động từng vụ nuôi

Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản
Sở NN&PTNT đã bàn giao hồ sơ quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho các địa phương ven biển. Ngoài dự án nuôi tôm tập trung tại thôn Diêm Trà (xã Tam Tiến, Núi Thành), tỉnh cũng đang xúc tiến thực hiện dự án nuôi tôm công nghiệp tại các thôn Bản Long, Tân Bình Trung, Lộc Ngọc (xã Tam Tiến) với quy mô 100ha. UBND tỉnh đã có quyết định sử dụng 20 tỷ đồng để triển khai các hỗ trợ cho người nuôi tôm. Từ quy hoạch cấp tỉnh, TP.Tam Kỳ đã thực hiện quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ dọc sông Trường Giang, đoạn chảy qua 3 xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng, trong đó xác định 5 tiểu vùng quy hoạch cho nuôi tôm công nghiệp. Huyện Núi Thành đã thông qua đề án phát triển ngành thủy sản huyện đến năm 2020. UBND huyện Duy Xuyên đang đầu tư từ nguồn ngân sách huyện, xây dựng vùng nuôi tôm công nghiệp với quy mô 15ha (xã Duy Phước 5ha, xã Duy Vinh 10ha). TP.Hội An đang xây dựng đề án nuôi tôm sinh thái ở các vùng rừng ngập mặn, vừa phát triển kinh tế vừa phục vụ du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Chính phủ sẽ ban hành thêm nhiều cơ chế hỗ trợ nuôi tôm công nghiệp, hiện đại, vì thế Quảng Nam cần phải đi trước, đón đầu. “Do không thể tăng tốc nuôi tôm công nghiệp, hiện đại, thâm canh, quy mô lớn ngay lập tức được nên tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cho từng hộ, từng nhóm hộ nuôi tôm nhỏ. Chính phủ sẽ ban hành hỗ trợ lớn hơn, vì thế để tiếp cận cơ chế, các hộ nuôi tôm trong các tổ cộng đồng cần nâng tầm sản xuất, thành lập hợp tác xã nuôi tôm. Việc này không quá khó khăn, chỉ cần 7 hộ góp vốn là thành lập được với rất nhiều cơ chế, khuyến khích thành lập hợp tác xã kiểu mới” - ông Lê Trí Thanh thông tin.

Từ các giải pháp căn cơ, theo ông Lê Trí Thanh, muốn thành công lớn phải bắt đầu từ từng vụ nuôi tôm, bắt đầu từ vụ 1 năm 2017. Về điều này, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trước khi vào vụ nuôi tôm này, ngành thủy sản đã có hướng dẫn triển khai lịch mùa vụ; mở nhiều lớp tập huấn các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao nuôi, chọn con giống, quản lý môi trường và phòng bệnh trong quá trình nuôi, giúp nông hộ chủ động sản xuất trong vụ mới. “Các hộ nuôi tôm cần áp dụng quy trình nuôi sạch, sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có chất lượng, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh. Điều đó không chỉ giúp tôm sinh trưởng tốt mà còn giúp sản phẩm đầu ra được tăng giá khi thu hoạch” - bà Tâm nói.

Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho hay, rút kinh nghiệm những năm trước đây nông hộ thua lỗ do nuôi tôm trước lịch nên năm nay địa phương tuyên truyền rất sâu rộng để người nuôi thả tôm giống đúng lịch. “Ngoài việc cải tạo ao nuôi thật kỹ trước khi thả giống, chính quyền xã cũng đã khuyến cáo người nuôi tôm, thường xuyên kiểm tra mẫu nước, theo dõi dự báo thời tiết, xử lý nhanh, chính xác các phát sinh xấu trong quá trình nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng, phát triển tốt” - ông Sành nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo "môi trường" cho nghề nuôi tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO