Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

TRỊNH DŨNG 24/11/2016 08:54

Quảng Nam đã tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, không gian hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều và cộng đồng này vẫn đang chờ đợi những chính sách cụ thể được thực thi.

Nhiều biện pháp hỗ trợ

Theo thống kê của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, hầu hết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết đúng thời hạn (99% hồ sơ giải quyết của cấp sở và cấp xã, 97% hồ sơ giải quyết của cấp huyện). Các cơ quan, đơn vị đảm bảo tiếp nhận, giải quyết TTHC đúng quy định, đúng thời hạn, hồ sơ lưu đầy đủ, có giấy biên nhận và hẹn trả kết quả rõ ràng. Nhiều sở, ngành đã thực hiện công bố chuẩn hóa TTHC, thực hiện rà soát bộ TTHC của từng đơn vị để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy trình, trình tự thực hiện các TTHC, thực hiện công khai đường dây nóng - hỏi đáp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của từng đơn vị, nghiên cứu sớm thành lập cổng thông tin cải cách hành chính của tỉnh để tiếp nhận các phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Không chỉ cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, một cửa liên thông, cà phê doanh nhân, tiếp doanh nghiệp định kỳ được xem như những sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn tiếp tục duy trì, nhiều địa phương đã ban hành quy chế phối hợp “một cửa liên thông” để rút ngắn thời gian trong việc tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Không ít địa phương đã bắt đầu xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ liên quan đến thủ tục đầu tư trên địa bàn huyện, tổ chức các đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp (thị xã Điện Bàn, huyện Núi Thành), thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư (huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn), giao một cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục (huyện Đại Lộc).

Quảng Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Trong ảnh: Cán bộ, công chức, viên chức tham gia tập huấn sử dụng phần mềm phục vụ cho trung tâm hành chính công. Ảnh: VĂN HÀO
Quảng Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Trong ảnh: Cán bộ, công chức, viên chức tham gia tập huấn sử dụng phần mềm phục vụ cho trung tâm hành chính công. Ảnh: VĂN HÀO

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tiến dần đến con số 1.000, nâng số doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đến 91,53% doanh nghiệp toàn tỉnh. Khá nhiều cơ chế hỗ trợ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho các doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho doanh nghiệp. Nhiều hội thảo về hội nhập quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp đã được tổ chức. Không ít cuộc kết nối giao thương, gắn kết thị trường, làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tìm kiếm, khai thác các thị trường mới. Vốn – một trong những khó khăn triền miên của doanh nghiệp cũng đã xoay theo chiều tích cực. Quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các ngân hàng ngày càng được cải thiện. Hiện có hơn 2.101 doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với tổng dư nợ hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm 16,32% tổng dư nợ địa bàn. Những cuộc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ngày càng được mở rộng với lượng vốn lớn được bơm ra thị trường... Tất cả điều này đã thể hiện việc ưu tiên nguồn lực của ngân hàng cho cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ tình trạng không thể tiếp cận nguồn lực từ tín dụng...

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Thương giới cho rằng cuộc chiến với điều kiện kinh doanh là cơ chế xin - cho sẽ còn rất khó khăn, nhưng quyết tâm đưa ra chương trình thực thi các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cụ thể và rộng rãi của chính quyền Quảng Nam được xem như một cánh cửa mở để xác lập niềm tin và khởi động lại tinh thần doanh nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp đều muốn tìm kiếm thành công, nhưng sẽ rất khó nếu thiếu sự “chỉ dẫn” từ phía chính quyền và cơ quan hữu trách. Theo nhiều doanh nghiệp, sau những cam kết của các FTA, không gian chính sách chung để Chính phủ hay địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm các cam kết quốc tế. Vấn đề đặt ra là chính quyền có muốn và có khả năng hỗ trợ hay không và nên hỗ trợ doanh nghiệp nào? Chính quyền, các hiệp hội cần xác định, giải quyết những nút thắt giúp doanh nghiệp phát triển như tiếp cận tài chính, chất lượng lao động, loại bỏ những áp đặt trong môi trường kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng ngoài việc cộng đồng doanh nghiệp phải thức nhận và tự đổi mới, chủ động hội nhập thì sự điều phối của chính quyền là hết sức cần thiết. Doanh nghiệp rất muốn cơ quan quản lý giao dịch với các nhà đầu tư qua 2 kênh giao dịch điện tử và trực tiếp. Tất cả thủ tục ban đầu như: giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, hải quan, đăng ký con dấu... nên thực hiện tiếp nhận và trả thủ tục qua nơi giao dịch một cửa. Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho các ngành đặc thù như giải quyết nhiều lao động, đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, các nhà đầu tư vào khu kinh tế mở, các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống…

Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho biết, quy chế một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, cà phê doanh nhân, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng. Chính quyền sẽ ban hành bộ TTHC mới về cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng nhận đăng ký đầu tư, nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai trong các cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, xây dựng chính sách khuyến khích mô hình hợp tác đào tạo công - tư để tăng cường tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 8 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 10 ngày. Ngoài ra, sẽ khảo sát nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xây dựng quy chế giám sát giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công khai hóa các quy trình, thủ tục tiếp cận điện năng; giảm thời gian thỏa thuận đấu nối từ 3 ngày xuống còn 2 ngày; bãi bỏ thủ tục thỏa thuận thiết kế, giảm 3 ngày; giảm thời gian nghiệm thu đóng điện từ 10 ngày xuống còn 6 ngày. Tổng thời gian thực hiện các thủ tục cấp điện liên quan đến ngành điện từ 18 ngày xuống còn nhỏ hơn hoặc bằng 10 ngày…

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO