Thời gian qua, huyện Quế Sơn thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện, cho biết:
Khánh thành công trình nhà máy may xuất khẩu (giai đoạn 1) của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton thuộc Tập đoàn Germton Hồng Kông (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Đông Quế Sơn hồi tháng 3.2017.Ảnh: N.SỰ |
Ông Trần Đại Nghĩa: Xác định việc quảng bá và thu hút đầu tư đóng vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nên những năm qua chúng tôi chú trọng vấn đề này. Đặc biệt, ngày 24.3.2016, Huyện ủy Quế Sơn ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HU về tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Cùng với đó, huyện nỗ lực thực hiện tốt những cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh và tập trung giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính. Hiện nay, Quế Sơn đã cắt giảm ít nhất 30% thời gian làm các thủ tục so với trước đây, nhất là ở lĩnh vực đất đai. Không chỉ vậy, địa phương còn chủ động xác định địa điểm một số dự án cần kêu gọi đầu tư, cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông về những chính sách ưu đãi đầu tư, nhu cầu tuyển dụng lao động. Hoạt động xúc tiến đầu tư từng bước được đổi mới về phương thức, nội dung, chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường sự kết nối. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư và đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
- Vậy thời gian qua Quế Sơn đã gặt hái được những thành quả gì, thưa ông?
Ông Trần Đại Nghĩa: Tính đến tháng 8.2017, Quế Sơn đã hình thành 3 cụm công nghiệp, 1 khu công nghiệp, thu hút được 30 doanh nghiệp đầu tư và đăng ký đầu tư. Cụ thể, tại Cụm công nghiệp Quế Cường đã có 11 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất hoặc đang triển khai xây dựng, bước đầu giải quyết việc làm cho 265 lao động. Tại cụm công nghiệp này, tổng diện tích lấp đầy là hơn 229.874/371.495m2, đạt tỷ lệ gần 62%. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống điện, thời gian qua UBND huyện đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng tại Cụm công nghiệp Quế Cường. Theo đó, huyện đã chi 5,5 tỷ đồng để phá đá, san nền các lô A0 - A3 - A4 - A5 và đang tiến hành xây dựng đường trục chính nối từ tuyến ĐT611 vào cụm công nghiệp này với tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.
Đối với Cụm công nghiệp Đông Phú 1, hiện đã có 5 dự án đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký hơn 457 tỷ đồng, bước đầu giải quyết việc làm cho 215 lao động. Thời gian qua, ngành điện đã đầu tư xây dựng hệ thống điện đảm bảo phục vụ sản xuất cho từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này hệ thống cấp nước và hệ thống thoát nước mưa, nước thải chưa được đầu tư đồng bộ vì thiếu nguồn kinh phí. Đối với Cụm công nghiệp Hương An, hiện tổng diện tích lấp đầy là đạt tỷ lệ 65%, có 4 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 1 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Đặc biệt, Khu công nghiệp Đông Quế Sơn do tỉnh quản lý, hiện tỉnh đã giao cho nhà đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH An Thịnh Quảng Nam quản lý và đầu tư hạ tầng. Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu và ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) đối với khu công nghiệp Đông Quế Sơn tại 2 huyện Quế Sơn, Thăng Bình. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp này lên đến 454,19ha, trong đó có 211ha thuộc huyện Quế Sơn. Đến thời điểm này, tại đây có 10 dự án đã đi vào hoạt động và đang xây dựng, bước đầu giải quyết việc làm cho 1.331 lao động...
- Nỗ lực thu hút doanh nghiệp nhưng cần phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Trần Đại Nghĩa: Quế Sơn chú trọng thu hút các doanh nghiệp có tâm, có tầm, phù hợp với chủ trương phát triển bền vững theo hướng xanh - sạch chứ không chấp nhận phát triển bằng mọi giá. Bất cứ dự án nào, trước khi triển khai xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất và đi vào hoạt động đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết với địa phương phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như xây dựng hệ thống xử lý nước thải và thu gom, quản lý chất thải. Ngoài ra, huyện phối hợp với các ngành liên quan ở tỉnh tổ chức giám sát, kiểm tra quá trình xử lý nước thải, chất thải trong sản xuất nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm nếu có.
- Xin ông cho biết, thời gian tới, Quế Sơn đưa ra giải pháp nào để tạo đột phá trong thu hút đầu tư?
Ông Trần Đại Nghĩa: Hiện nay, các cụm công nghiệp và khu công nghiệp trên địa bàn Quế Sơn đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm những làn sóng đầu tư mới. Vì vậy, Quế Sơn sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, độ tin cậy cao và có khả năng triển khai các dự án phát triển công nghiệp sạch, không cấp phép cho các dự án đầu tư sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Huyện sẽ chủ động huy động nhiều nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông, cấp thoát nước… ở các khu, cụm công nghiệp và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch.
Một vấn đề nữa là, Quế Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời tăng cường khâu giám sát, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Định kỳ hàng năm lãnh đạo huyện sẽ tổ chức các buổi họp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, chia sẻ khó khăn trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động, gắn bó lâu dài với địa phương.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGUYỄN SỰ (thực hiện)