(QNO) - Bằng việc chiết xuất thành công tinh dầu, tạo những dòng mỹ phẩm từ các dược liệu: sả, gừng, nghệ, vỏ bưởi/bòng/chanh, lá quế.., người con gái Đại Lộc - Lê Thị Sen đã mở ra triển vọng trồng cây dược liệu trên quê hương.
Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm cách chiết xuất tinh dầu từ nhiều loài dược liệu vốn được trồng rải rác ở những vùng quê, chị Lê Thị Sen (xã Đại Hồng, Đại Lộc) đã dày công tạo ra những dòng mỹ phẩm, nước hoa từ chính những thảo dược thiên nhiên này.
Chị Lê Thị Sen với đam mê tạo những dòng mỹ phẩm, nước hoa từ cây dược liệu. |
Trải qua nhiều khâu test thử nghiệm lâm sàng đảm bảo tính khoa học, đăng ký nhãn mác, thương hiệu, năm 2015, chị Sen quyết định xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu ngay tại thôn Phước Lâm, Đại Hồng. Ý tưởng này xuất phát từ công việc kinh doanh ở spa làm đẹp do chị quản lý ở tận TP.Đà Nẵng. Hằng ngày, cơ sở của chị tiếp đón rất nhiều lượt khách nữ đến để được tư vấn, được chăm sóc da, tóc và làm đẹp. Khách hàng của chị không ngần ngại lựa chọn những dòng sản phẩm làm đẹp đắt tiền. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chị nhận ra, dù đắt tiền đến mấy thì những dòng mỹ phẩm hiện có cũng không thể nào tốt bằng những chất liệu thiên nhiên được vì nó có sự can thiệp của hóa chất công nghiệp. Thế là ý tưởng làm sao để có thể tạo ra những loại mỹ phẩm, nước hoa cho phái đẹp rặt thiên nhiên, trước hết là phục vụ nhu cầu làm đẹp ở chính người phụ nữ ngoài 30 như chị và nhu cầu sẻ chia cho người thân và khách hàng của mình đã cuốn chị đi.
“Tôi muốn quay về với thiên nhiên, cái thuở bà và mẹ dạy ta nấu nước bồ kết, nấu hương hoa bưởi để gội đầu giúp tóc dày và bóng mượt. Hay việc sử dụng củ nghệ để làm đẹp da, để xóa những dấu vết trên gương mặt phụ nữ… mà cuộc sống công nghiệp đã làm ta xao nhãng. Tại sao phụ nữ lại phải đầu tư nhiều tiền bạc cho việc làm đẹp để mong có một phép màu. Thực sự là chỉ có thể quay về với những cách làm đẹp từ thiên nhiên mới cho những giá trị bền vững” - chị Sen trải lòng.
Chị Sen đã chiết xuất tinh dầu từ vỏ bưởi để tạo ra những dòng sản phẩm làm đẹp tóc và nước hoa. |
Nghĩ là làm, chị Lê Thị Sen bỏ ra hơn 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm. Chị đã tìm những công thức phù hợp, lần lượt thử nghiệm từng công thức để có thể cho ra sản phẩm có chất lượng, độ chuẩn xác cao nhất. Chị chiết xuất tinh dầu từ những củ gừng, củ nghệ; từ vỏ trái bưởi, trái chanh, bòng; từ lá và cành cây quế mà lâu nay nhà nông chủ yếu bỏ đi hoặc nếu có bán thì cũng chỉ với giá rẻ mạt. Hay như thân và lá sả vốn là phần mà nông dân sau khi thu hoạch phần củ bán cho thương lái thường bỏ đi thì nay được nhà máy của chị thu gom hết, giúp bà con có thêm một chút lợi nhỏ.
Khi đã cho ra đời hơn 30 dòng sản phẩm đầu tay, chị mới đi tới quyết định lập công ty (Công ty TNHH Tinh dầu Cỏ May) và đầu tư nhà máy chiết xuất tinh dầu đặt tại Đại Hồng - quê hương của chị để dễ bề thu gom nguyên liệu. Việc lắp đặt nhà máy là tin vui cho nhà nông, mở ra hướng quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, góp phần cải thiện kinh tế người dân bản địa. Ví như, với cây sả, vùng đất Đại Quang, Đại Đồng của huyện Đại Lộc là những vùng chuyên canh của cây này với diện tích hàng chục héc ta, có thể cho ra sản lượng hàng chục, hàng trăm tấn lá và thân sả. Người dân tại nhiều xã vùng tây Đại Lộc cũng có thể cải tạo vườn tạp, tận dụng những diện tích đất đồi gò, đất khe suối, đất bỏ hoang lâu nay để trồng các loài dược liệu để cung ứng cho nhà máy hoạt động. Cho nên, khi nghe chị phối hợp với địa phương triển khai ý tưởng xuống dân, bà con Đại Hồng và vùng lân cận ai nấy rất tán thành, hưởng ứng.
Những dòng sản phẩm từ tinh dầu gừng là các dòng sản phẩm mát-xa, dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước tắm em bé giúp điều trị bệnh rôm sảy, mẩn ngứa và được xem là những nghiên cứu mang tính đột phá. Sản phẩm từ nghệ là các dòng mỹ phẩm, gel trị mụn; từ vỏ bưởi là gel bóng tóc, dưỡng tóc áp dụng với những loại tóc khô, xơ… Từ thân và lá sả, lá quế, những dòng nước hoa ra đời, vừa an toàn cho người dùng, tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Những dòng mỹ phẩm từ sả và gừng đã đi vào các cơ sở mát-xa trị liệu của hầu khắp các tỉnh, thành.
Chị Sen cho biết, tinh dầu bưởi, gừng, sả vốn có tính sát khuẩn rất tốt, được áp dụng nhiều trong xoa bóp trị liệu, vệ sinh thân thể và dưỡng thể. Thời gian tới, chị sẽ tạo thêm những dòng nước hoa cho xe ô tô từ vỏ bưởi, củ gừng và lá sả nhằm tạo cảm giác khoan khoái, phấn chấn cho người ngồi trên xe.
Ban đầu, khi chị trình làng những sản phẩm đầu tay, người tiêu dùng còn dè dặt, e ngại nhưng đến nay, mỗi tháng, công ty của chị cung ứng ra thị trường từ 3.000 - 4.000 sản phẩm các loại. Nhiều mặt hàng của Cỏ May đã đi vào hệ thống khách sạn Mường Thanh, vào các siêu thị mẹ và bé, các cơ sở mát-xa. Hệ thống đại lý của chị đã có mặt tại nhiều tỉnh thành cả nước. “Tôi muốn tạo dựng thương hiệu riêng, đó là những dòng sản phẩm sạch, không can thiệp bởi hóa chất, không sử dụng hương tạo mùi công nghiệp mà phải là tinh chất thiên nhiên. Xu hướng người tiêu dùng là ngày càng quay về với giá trị tự nhiên, nên con đường tôi lựa chọn sẽ không đơn độc. Sản phẩm đã trải qua nhiều bước test lâm sàng, được chứng nhận của cơ quan chức năng nên khách hàng ngày càng an tâm, tin tưởng khi sử dụng” - chị Sen chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ích Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho hay: Đây là hướng sản xuất rất mới, lại đáp ứng xu thế của thời đại khi người tiêu dùng dần quay về với những dòng mỹ phẩm từ thiên nhiên. Việc đặt nhà máy ở Đại Hồng nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, dễ thu hoạch, sơ chế, lại nằm trên trục quốc lộ 14B dễ giao thương với các vùng Gia Lai, Kon Tum, các chợ đầu mối. Mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ từ 0,5 - 1 tấn nguyên liệu, được gom từ các nơi. "Do mới đi vào hoạt động, sản phẩm bước đầu cung ứng ra thị trường chưa nhiều nên sản xuất của nhà máy vẫn cầm chừng. Tương lai, khi đã ổn định, khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, ký kết tiêu thụ với người dân sẽ được triển khai. Khâu đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cùng các chiến lược PR, quảng bá thương hiệu cũng sẽ được đẩy mạnh. Sản phẩm từ nhà máy cũng đóng góp, tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch tại Đại Hồng nói riêng, Đại Lộc nói chung" - ông Khiêm nói.
BÍCH LIÊN