Mới đây, giải pháp tạo bạc (Ag) nano sinh học từ cây diệp hạ châu của ThS. Nguyễn Văn Thông (Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam) được trao giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2015.
DIỆP hạ châu (tên khoa học là Phyllanthus amarus), còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, cam kiềm, diệp hòe thái, trân châu thảo... vốn là loài thuốc quý có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có khả năng chữa trị nhiều bệnh như: khôi phục chức năng gan, điều hòa huyết áp, lợi mật; diệt khuẩn, chữa viêm răng, mụn nhọt, lở ngứa, tiêu hóa; hạn chế tác động sinh trưởng của virus (đặc biệt là virus viêm gan B). Trong thực tế, tính năng kích thích sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng của nano sinh học đã được ThS. Thông và đồng sự thử nghiệm trên cây đậu phụng. “Trên 1.000m2 mô hình trồng đậu phụng ở thôn Phú Trung (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), nano sinh học được dùng để xử lý đất, tưới kích thích sinh trưởng qua lá, qua rễ, sau một thời gian so sánh với đối chứng, đã có kết luận mô hình ứng dụng bạc nano sinh học có tỷ lệ hạt nảy mầm cao hơn, cây xanh tốt và tăng trưởng nhanh hơn, hạt nhiều và năng suất cao hơn so với đối chứng. Chúng tôi thử nghiệm trên cây hồ tiêu, bằng tưới qua lá, qua rễ, bệnh chết ẻo trên cây tiêu giảm dần” - ThS. Thông nói.
Công nghệ nano được tạo ra bằng phương pháp hóa học và bởi các tác nhân hóa học không còn là mới mẻ. ThS. Nguyễn Văn Thông, tác giả công trình “Chế tạo vật liệu bạc nano sinh học từ cây diệp hạ châu và một số ứng dụng quan trọng” cho hay: “Dù được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, song nano bạc từ trước tới nay vẫn được tạo ra từ các hóa chất đắt tiền, chi phí sản xuất khá cao, lại không thân thiện với môi trường. Vì lẽ trên, chúng tôi quyết tâm tạo nano bạc sinh học từ những loài thảo dược có trong tự nhiên như diệp hạ châu, long tu, cây dâu tây… Và việc chọn cây diệp hạ châu để thử nghiệm là hợp lý bởi đây là loài thảo dược có nhiều ở Quảng Nam”. |
So với một số loại kháng sinh, dung dịch nano bạc được tạo ra có tính kháng khuẩn rất mạnh. Kết quả thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn Vibrio (chủng gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng) của dung dịch nano sinh học này được tác giả chứng minh ở phòng thí nghiệm lẫn thực tế, nhận được sự đánh giá cao từ Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh.
Được biết, việc tạo nano bạc từ cây diệp hạ châu với nồng độ từ vài đến 2.000ppm có giá thành rẻ hơn so với loại nano bạc trên thị trường 1/4 lần, tức giá thành sản phẩm nano hóa học trên thị trường có giá 150 - 200.000 đồng/lít thì nano sinh học ở tầm 50.000 đồng/lít, sản phẩm lại thân thiện với môi trường. “Nếu đầu tư công nghệ lấy được tinh dầu từ cây diệp hạ châu thì hiệu quả sẽ cao hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ test thêm một số tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, đăng ký nhãn hiệu, bản quyền và giấy khép kinh doanh, cũng như sẵn sàng chuyển giao công nghệ nếu đơn vị nào quan tâm” - ThS. Thông khẳng định.
TRIÊU NHAN