Tạo nguồn đầu tư hạ tầng cơ sở

KHẢI KHIÊM 06/08/2015 10:05

Trong 5 năm qua (2010 - 2015), nguồn thu ngân sách ở Điện Bàn tăng bình quân 12,88%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.708 tỷ đồng (tăng bình quân 24,34%/năm), trong đó phần ngân sách địa phương là 1.048 tỷ đồng (tăng 16,73%/năm). Nguồn lực ấy đã tạo điều kiện cho đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội ở Điện Bàn. Mục tiêu mà địa phương phấn đấu trong 5 năm tới là trở thành “thị xã phát triển”. Muốn vậy, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới (NTM) cần phải được tiếp tục đầu tư thỏa đáng hơn nữa. “Thế nên, bài toán huy động nguồn lực ở đâu là một thách thức lớn đối với thị xã. Nhu cầu đầu tư thì vô hạn, song nguồn lực thì hữu hạn. Vì vậy, chúng tôi đề ra 2 nhóm giải pháp chính, đó là sắp xếp danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên và tích cực huy động nguồn lực, sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả” - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Hội cho biết.

Từ sự hỗ trợ của tỉnh, tuyến ĐH8 đang được đầu tư để kết nối đông – tây. Ảnh: K.NGHIÊM
Từ sự hỗ trợ của tỉnh, tuyến ĐH8 đang được đầu tư để kết nối đông – tây. Ảnh: K.NGHIÊM

Có thể nói, sắp xếp danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên sẽ góp phần giải bài toán cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực. Riêng cân đối vốn đầu tư công, khâu sắp xếp sẽ thể hiện trong kế hoạch trung hạn mà Phòng Tài chính - kế hoạch thị xã là cơ quan tham mưu. Đặc biệt, Điện Bàn chú trọng huy động nguồn lực và sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả bằng việc thu hút ngoại lực và phát huy cao độ nội lực. Theo đó, “đô thị mới” sẽ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên đầu tư cho chương trình mục tiêu xây dựng NTM, các xã trở thành phường vào năm 2020, các dự án trọng điểm kết nối phát triển liên vùng. Nỗ lực thu phát sinh kinh tế 5 năm tăng bình quân 14 -16%, thu ngân sách đạt hiệu quả. Ngoài ra, thị xã cũng cần có sự quan tâm của tỉnh để có những cơ chế hỗ trợ tạo nguồn cho Điện Bàn đầu tư hạ tầng đô thị, xứng tầm là vùng động lực phía bắc Quảng Nam; đồng thời phân bổ kinh phí từ trái phiếu chính phủ cho các xã phấn đấu đạt tiêu chí NTM. Theo ông Nguyễn Hội, địa phương thời gian qua hầu như “trắng” nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Vì vậy, thị xã sẽ xác định 1 - 2 dự án có khả năng thanh toán, tổng mức đầu tư lớn, tính tác động liên vùng rồi đề xuất tỉnh cho tiếp cận thực hiện và hoàn trả vốn.

Lâu nay, nguồn thu để lại cho đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước (chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất…) là nguồn nội lực chính của Điện Bàn. Nhưng muốn “sinh” một đồng nội lực từ quỹ đất, thị xã cần thu hút các đồng vốn ngoại lực cho dự án khai thác quỹ đất. Địa phương sẵn sàng cam kết sẽ đồng hành với doanh nghiệp về cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết những khó khăn vướng mắc. Mặt khác, thị xã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân ở công việc được giao, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm về quản lý đầu tư. Trong xây dựng NTM, địa phương sẽ tích cực hỗ trợ cho người dân tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; phát huy tốt vai trò chủ thể và huy động nguồn lực tại chỗ của nhân dân.

KHẢI KHIÊM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo nguồn đầu tư hạ tầng cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO