Tạo niềm tin cho người hoàn lương

X.NGHĨA-Đ.ĐẠO 15/09/2015 08:59

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn Quảng Nam trong những năm qua đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Chỗ dựa tin cậy

Nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) Công an Quảng Nam đã phối hợp cùng với các ban ngành và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xem công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là nhiệm vụ quan trọng góp phần tăng cường công tác phòng, chống các loại tội phạm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quảng Nam. Đại tá Doãn Bá Hồng, Trưởng phòng PC81 chia sẻ, để có những đóng góp thầm lặng cùng lực lượng công an tỉnh làm thay đổi nhận thức của những người một thời lẫm lỗi hoàn lương, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thường xuyên bám địa phương, phối hợp cùng gia đình, đoàn thể giúp họ vượt qua mặc cảm làm người sống có ích cho xã hội. Cũng theo Đại tá Hồng, để công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với những người chấp hành xong án phạt tù có tính nhân văn và ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa trong cộng đồng dân cư, đơn vị đã nghiên cứu tìm ra giải pháp để tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng Đề án tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chụp hình lưu niệm với Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: X.NGHĨA
Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chụp hình lưu niệm với Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: X.NGHĨA

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu Công an Quảng Nam cho biết, thời gian qua Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm tốt công tác tổ chức thực hiện các điều kiện đảm bảo cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù và được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán và Quốc khánh 2.9. Trong đó, Trại tạm giam Công an tỉnh thường xuyên rà soát, lập danh sách số phạm nhân có thời hạn án phạt tù còn lại từ hai tháng trở xuống để tổ chức trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản trước khi về địa phương. Qua đó, giúp phạm nhân nắm được chủ trương đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, hai tháng trước khi hết hạn chấp hành xong án phạt tù, Giám thị Trại tạm giam thông báo cho Công an huyện, thị xã, TP và UBND xã, phường, thị trấn nơi người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú, để địa phương chủ động quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

Nghị lực sau lần vấp ngã

Gặp lại chúng tôi, anh Trần Duy Nhất, trú ở xã Quế Bình, Hiệp Đức – người được nhận giấy khen “Các cá nhân hòa nhập cộng đồng” bộc bạch, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, anh đã được giúp đỡ rất nhiều. “Ngoài việc phát triển kinh tế, gia đình tôi được Phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho tham gia tập huấn và trồng mới được 15ha cao su tiểu điền và 20ha keo nguyên liệu, đó là nỗ lực suốt hơn 12 năm qua của bản thân để hôm nay, gia đình có được thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Và vui mừng hơn là được tham gia công tác tố giác tội phạm, giữ bình yên cho thôn xóm. Được UBND Hiệp Đức nhiều năm liền công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện” - anh Nhất nói.

Hay anh Nguyễn Thanh Tuấn (SN1977, thôn Vĩnh Đại, xã Tam Hiệp, Núi Thành) là cá nhân điển hình tiên tiến được lãnh đạo Bộ Công an tuyên dương trong Hội nghị công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù toàn quốc. “Những ngày trong trại giam, tôi rất hối hận về những sai lầm của mình. Thương cha mẹ và các em nên trong thời gian cải tạo, bản thân luôn chấp hành nghiêm nội quy, quy chế tại trại giam. Do vậy tôi được Ban Giám thị tin tưởng giao đứng lớp xóa mù chữ cho hơn 100 phạm nhân và làm đội trưởng đội tự quản. Tôi được tha tù trước thời hạn 3 tháng” -  anh Tuấn tâm sự.

Về quê Tuấn quyết tâm quên đi quá khứ và làm hồi sinh mảnh đất nơi nuôi mình thành người. Với 12 triệu đồng bán con bò của ba mẹ, vay ngân hàng 90 triệu đồng, đầu tư nuôi gần 3.000m2 nhông cát, sau đó Tuấn tiếp tục nuôi thêm kỳ đà, kỳ tôm, rắn mối, heo, gà... Sau 2 năm, kinh tế gia đình ổn định, Tuấn trả được nợ  cho ngân hàng và có doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng, lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Đến nay, sau 7 năm ra tù, quy mô trang trại của Tuấn có trên 10.000 con nhông cát, 5.000 con rắn mối, 100 con kỳ đà, 500 con kỳ tôm, 150 con gà Đông Tảo… và hơn 10.000 cây ăn quả các loại. Hiện nay Tuấn đã thành lập công ty chuyên cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, Tuấn đã liên kết các trường trung cấp trong tỉnh truyền đạt kiến thức cho hơn 500 nông dân về kỹ thuật chăn nuôi. Ngoài ra, trang trại của Tuấn còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. “Tôi có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt khi biết năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/CP với mục đích giúp đỡ người chấp hành án phạt tù trở về địa phương hoàn lương, tái hòa nhập với cộng đồng. Các cấp chính quyền đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ những người có quá khứ lỗi lầm như tôi” - Tuấn khẳng định.

“Tấm gương của Nguyễn Thanh Tuấn là bài học về nghị lực biết vươn lên sau vấp ngã để làm lại cuộc đời có ích cho xã hội. Đây là tấm gương sáng cho những người từng mắc lỗi lầm noi theo để làm lại cuộc đời” - Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an nhận xét.

X.NGHĨA-Đ.ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo niềm tin cho người hoàn lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO