(QNO) - Nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại rừng, gây nên tác động xấu đến tự nhiên, Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Công ty TNHH MTV Nấm Linh Chi Quảng Nam triển khai Dự án “Phát triển chuỗi giá trị nấm linh chi Quảng Nam gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hỗ trợ người dân trồng nấm
Nhóm hộ dân 25 thành viên tại thôn Long Khánh (xã Tam Đại, Phú Ninh) được dự án triển khai mô hình “Trồng chuẩn giống lim xanh Quảng Nam Linasa”. Mô hình thực hiện vào tháng 12.2018, đến nay đã cho thu hoạch lứa nấm đầu tiên với 20kg.
Ông Nguyễn Học - Tổ trưởng của nhóm cho biết: “Lâu nay chúng tôi chỉ nghĩ đến trồng nấm rơm và các loại nấm thực phẩm chứ chưa dám nghĩ đến mô hình trồng nấm dược liệu, đặc biệt là nấm lim xanh này. Có được kết quả như hôm nay, phần lớn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ của Dự án Trường Sơn Xanh và Công ty TNHH MTV Nấm Linh Chi Quảng Nam (CT Linh Chi Quảng Nam). Người dân mong muốn được gắn bó lâu dài với mô hình”.
Được biết, thời gian qua Dự án Trường Sơn Xanh đã cung cấp 15.000 phôi nấm bịch cho 375 người dân (52% là phụ nữ) có nguyện vọng tham gia trồng nấm thuộc các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành. Sau đó, dự án kết hợp với CT Linh Chi Quảng Nam tổ chức 3 đợt tập huấn về kỹ thuật đóng phôi, cấy giống nuôi trồng, chăm sóc, thu hái nấm ăn và nấm linh chi cho các thành viên theo phương pháp cầm tay chỉ việc, học đi đôi với hành. Đến nay, CT Linh Chi Quảng Nam cơ bản xây dựng thành công 15 mô hình nuôi trồng nấm lim xanh và nấm linh chi.
Tại các huyện miền núi Đông Giang và Nam Giang, Dự án Trường Sơn Xanh cũng phối hợp với CT Linh Chi Quảng Nam xây dựng 2 mô hình áp dụng kỹ thuật khai thác bền vững nấm linh chi tự nhiên từ rừng với 30 thành viên đều là người đồng bào Cơ Tu. Đồng thời xây dựng 2 mô hình tổ hợp tác nuôi trồng nấm linh chi trên gỗ khúc, gốc/thân gỗ tận dụng và trong phôi nấm đóng bịch theo công nghệ tiên tiến.
Hướng đến tính bền vững
Với tổng vốn tài trợ 14 triệu USD cho Quảng Nam, được triển khai từ năm 2016 - 2020, Dự án Trường Sơn Xanh là dự án trọng điểm về môi trường của USAID. Dự án đang phối hợp với chính quyền, khối tư nhân và cộng đồng tại Quảng Nam nhằm hỗ trợ tỉnh chuyển đổi sang sự phát triển thông minh với khí hậu, góp phần tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Theo ông Lê Viết Nhân - Điều phối viên tại Quảng Nam thuộc Dự án Trường Sơn Xanh, dự án đã hỗ trợ CT Linh Chi Quảng Nam thực hiện điều tra đa dạng sinh học của nấm linh chi ngoài tự nhiên và đánh giá sản lượng nấm linh chi được người dân thu hái hàng năm trên địa bàn tỉnh. Khảo sát có sự tham gia của 2 chuyên gia về nấm linh chi ở Việt Nam và người dân am hiểu về loại nấm này trong khu vực rừng tự nhiên của địa phương, kết hợp thực hiện khảo sát thông tin thị trường từ các cơ sở thu mua nấm.
Cuộc điều tra đã xác định được 11 loài thuộc 3 chủng chính của họ nấm linh chi, trong đó 4 loài có giá trị cao đang bị thu hái ồ ạt từ tự nhiên. Vì vậy CT Linh Chi Quảng Nam định hướng nuôi trồng 2 loại nấm (linh chi, lim xanh) để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời bảo vệ giống nấm này trong tự nhiên; đầu tư 210 triệu đồng xây dựng Trung tâm Chuyển giao công nghệ nấm linh chi. Dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ các thiết bị hiện đại cho trung tâm này như tủ cấy sinh học, tủ ấm vi sinh, tủ lạnh âm 40 độ C, nồi hấp tiệt trùng, máy đô độ pH, kính hiển vi...
Ngoài ra, Dự án Trường Sơn Xanh và CT Linh Chi Quảng Nam đã mời một giáo sư từ Trường Đại học Kyushu Nhật Bản cùng 2 tư vấn của Việt Nam để tiến hành phân lập, thuần chủng, nhân giống và chuyển giao công nghệ trồng nấm. Bước đi này không những giúp công ty chủ động được khâu nhân giống chất lượng cao mà còn mở ra triển vọng chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm bền vững cho người dân.
Ông Đào Duy Linh - Giám đốc CT Linh Chi Quảng Nam cho biết: “Để đảm bảo tính bền vững cho những người dân tham gia mô hình, chúng tôi đang hỗ trợ họ thành lập 15 tổ hợp tác nuôi trồng nấm. Trên cơ sở đó, công ty sẽ tiến hành ký hợp đồng thu mua nấm mà các hộ dân trồng được với giá 900 nghìn đồng/kg, để ngoài bán nấm thô thì còn sản xuất và phân phối các sản phẩm từ nấm như trà, viên nang thực phẩm chức năng trong thời gian tới”.