Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm “Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây” vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng.
Tham dự hội thảo có đại diện nhiều cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan, đại diện các hiệp hội vận tải, logistics các nước láng giềng cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành của TP.Đà Nẵng và các địa phương miền Trung. Vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ (CBT) có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh và chuyển tải giữa các nước thành viên Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Hiện nay đã hình thành được các tuyến vận tải quá cảnh giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan; Shenzen (Trung Quốc) - Việt Nam - Lào - Thái Lan và Việt Nam - Campuchia. Theo số liệu thống kê về hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 đạt 113,2 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 110,3 tỷ USD. Số lượng phương tiện vận tải qua lại các cửa khẩu biên giới trên đất liền đạt 922 nghìn lượt. Nhờ các hiệp định vận tải đường bộ, các phương tiện vận tải nội địa qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính không phải sang tải, chuyển hành khách được thuận lợi.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Q.T |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CBT cho rằng họ đang vấp phải nhiều rào cản như hạn chế về hàng hóa do thương mại chưa phát triển, mất cân đối hàng hóa giữa hai chiều hay thủ tục thông quan hàng hóa quá cảnh tại các cửa khẩu còn nhiều bất cập. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), về thực chất thủ tục quá cảnh sẽ tồn tại trên hai hệ thống VNACCS (hệ thống quá cảnh Việt Nam) và ACTS (hệ thống quá cảnh ASEAN) khiến cho chi phí quản lý tăng do thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, dù được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khởi sắc lớn cho Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nhưng thực tế mật độ giao thông ở khu vực này không tăng đột biến như mong đợi. Một cán bộ Hải quan Lào nêu ra thực trạng đơn vị có 200 xe tải ở cửa khẩu Lao Bảo nhưng con số này giảm dần do hàng hóa xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam giảm, hay việc công ty Logistics Nhật Bản chỉ cung cấp dịch vụ logicstics đường bộ giữa Việt Nam và Thái Lan với mật độ 1 xe tải/tuần do nhu cầu khách hàng hạn chế. Một số đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng một số vùng của Lào như Viêng Chăn dù có khoảng cách tương đương đến các cửa khẩu của Việt Nam và Thái Lan nhưng thủ tục Thái Lan lại thông thoáng, ít chi phí hơn nên phần lớn khách hàng chọn qua cửa khẩu Thái Lan.
Đối với Đà Nẵng, trong năm 2015, tổng lượng hàng thông qua cảng Tiên Sa đạt 6,4 triệu tấn (vượt quá công suất thiết kế), khả năng lưu trữ của kho bãi hiện hữu không đủ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hàng container và hàng tổng hợp trong năm 2015 đều đã quá tải với lượng hàng đã tiếp nhận thực tế là 258 nghìn TEUS hàng container và trên 3 triệu tấn hàng tổng hợp. Hiện cảng Tiên Sa đang được nâng cấp mở rộng để nâng công suất tối đa lên 12 triệu tấn/năm.
QUỐC TUẤN