Năm2015 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cuộc vận động đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Được - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên, cho biết:
Ông Phạm Được: Trong 20 năm qua, với 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do mặt trận chủ trì và phối hợp triển khai đều mang tính toàn dân, toàn diện. Nhiều phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, từng bước đi vào chiều sâu. Đáng chú ý là, khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặt trận tập trung nâng cao chất lượng 5 nội dung của cuộc vận động gắn với việc thực hiện 19 tiêu chí do Trung ương quy định. Theo đó, mặt trận đi tiên phong vận động nhân dân đóng góp 121.200 ngày công lao động, hiến 127.600m2 đất vườn và đất ruộng. Đồng thời, 16.140 hộ dân trên địa bàn cũng đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi bê tông hóa 188km đường giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nhân dân xã Duy Sơn tích cực ra quân bê tông hóa giao thông nông thôn. Ảnh: HOÀI NHI |
Thành công nổi bật trong thời gian qua là nhân dân trong huyện nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ủng hộ hơn 1,3 tỷ đồng vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Không chỉ vậy, cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, các địa phương cũng vận động hỗ trợ xây dựng và tu sửa 1.945 ngôi nhà cho những gia đình chính sách, tặng 4.230 sổ tiết kiệm tình nghĩa. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ vì người nghèo, mặt trận đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 1.263 nhà đại đoàn kết và trao nhiều phương tiện sản xuất cho các hộ nghèo trên địa bàn, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, việc triển khai mô hình đám tang không rải vàng mã được tất cả 94 khu dân cư trên toàn huyện đồng tình hưởng ứng. Đây là mô hình được tỉnh đánh giá cao, rút kinh nghiệm và nhân rộng ở nhiều huyện, thị xã, thành phố.
P.V:Theo ông, cuộc vận động này tác động như thế nào đến tình hình kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn?
Ông Phạm Được: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương. Theo kết quả khảo sát mới đây, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 5,9%, giảm hơn 17% so với cách đây 5 năm và mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn 2%. Mặt khác, phát huy tính dân chủ, giữ vững kỷ cương, động viên mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt các hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư nơi mình đang sinh sống. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 760 tổ tự quản, củng cố 811 tổ an ninh nhân dân, 612 tổ hòa giải và 211 câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật, 90.732 gia đình cam kết không có con em tham gia các tệ nạn xã hội. Đồng thời xây dựng 132 mô hình điểm về phòng chống tội phạm, ma túy tại các khu dân cư có điểm nóng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an ninh nông thôn, tạo môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế. Cùng với đó, mặt trận các cấp luôn quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân luôn được mặt trận giám sát và phối hợp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Qua đó, cho thấy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
P.V: Thời gian tới, Mặt trận huyện Duy Xuyên đề ra giải pháp trọng tâm nào để nâng cao chất lượng cuộc vận động?
Ông Phạm Được: Để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, trong thời gian đến Duy Xuyên sẽ tập trung kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phong trào, bố trí cán bộ ở cơ sở một cách bài bản để đảm bảo vai trò lãnh đạo. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp, mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, mỗi khu dân cư để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hướng dẫn các khu dân cư đăng ký có trọng tâm, trọng điểm vào từng nội dung cụ thể của cuộc vận động, ví dụ như khu dân cư bảo vệ môi trường, khu dân cư không có hộ nghèo, không có nhà dột nát. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng các xã, thị trấn văn hóa theo đề án đã được thiết lập. Một yếu tố quan trọng khác là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận ở các thôn, khối phố, tổ đoàn kết. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể và nhân rộng các gương điển hình để phong trào tiếp tục phát triển. Đồng thời phát huy kết quả đạt được nhằm tạo niềm tin, động viên nhân dân hưởng ứng và tham gia có hiệu quả vào cuộc vận động trong giai đoạn mới...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
HOÀI NHI (Thực hiện)