Cùng với những doanh nghiệp có quy mô thì hộ kinh doanh cá thể là thành phần quan trọng, chiếm số đông trong nền kinh tế của Hội An. Vì vậy những năm qua, chính quyền các cấp luôn tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để các hộ sản xuất, kinh doanh.
Theo anh Trần Tiến Trung (khối Ngọc Thành, phường Cẩm Phô, Hội An), từ khi bắt đầu sử dụng diện tích đất ở của gia đình để xây dựng homestay River Lief, vợ chồng anh luôn được chính quyền địa phương và các cấp ngành có liên quan hỗ trợ nhiều mặt để nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết, triển khai thi công và hoàn thiện công trình. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, cơ sở lưu trú của anh đã được nhiều du khách biết đến với chất lượng phục vụ đảm bảo, có uy tín. Trong quá trình kinh doanh, gia đình anh luôn giữ mối quan hệ gần gũi với chính quyền địa phương, thông qua việc thực hiện chính sách thuế cũng như các quy định về việc niêm yết giá phòng, đảm bảo an ninh trật tự hoặc tham gia các hoạt động xã hội do địa phương kêu gọi, phát động. Anh chia sẻ: “Chính quyền địa phương rất quan tâm đến các hộ cá thể, nhất là việc hỗ trợ hoàn thành các thủ tục. Mỗi năm địa phương cũng mời gặp mặt ngày doanh nhân để tôn vinh những người có cống hiến cho địa phương, từ đó cũng lắng nghe những khó khăn và họ còn đến tận nơi xem có vấn đề gì không”.
Theo UBND phường Cẩm Phô, cùng với hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ, tại địa phương hiện có đến 418 hộ kinh doanh cá thể ở nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực du lịch thương mại. Trong đó, nhiều nhất là ngành hàng kinh doanh vải, may mặc, kế đến là nhà hàng, cơ sở lưu trú, mini mart… Những năm qua, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ phát triển kinh tế, trở thành một thành phần kinh tế “vệ tinh” không thể thiếu trong hoạt động du lịch dịch vụ. Ông Nguyễn Tấn Cường - Chủ tịch UBND phường Cẩm Phô cho biết: “Cẩm Phô có cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, rồi hộ kinh doanh cá thể cùng hoạt động rất sôi động. Địa phương chúng tôi luôn chú trọng tới tất cả thành phần này, cùng tạo ra chuỗi liên kết để các đơn vị, các hộ kinh doanh đều có cơ hội hưởng lợi, bởi “buôn có bạn, bán có phường”. Hàng năm chúng tôi tổ chức 2 lần gặp mặt doanh nghiệp, tuy không thể gặp hết do số lượng nhiều nên thông qua các cuộc họp quân dân chính khối phố, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng lắng nghe các hộ kinh doanh cá thể phản ánh xem có khó khăn, vướng mắc gì, cần chính quyền hỗ trợ gì thì sẵn sàng giải quyết”.
Theo thống kê, đến nay tại 13 xã, phường của Hội An có đến gần 4.000 hộ kinh doanh cá thể thuộc diện quản lý thuế của Chi cục Thuế thành phố theo hình thức kê khai thuế khoán. Mỗi năm, tổng số tiền thuế mà các hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng, đó là chưa kể các hoạt động hỗ trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương… Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho rằng, đối với địa bàn Hội An, hộ kinh doanh cá thể đóng vai trò rất quan trọng. Các hộ kinh doanh cá thể vừa là vệ tinh, vừa là chủ thể chính của nền kinh tế Hội An. So về quy mô, Hội An không có nhiều doanh nghiệp “khổng lồ” như các địa phương khác nhưng bù lại với một số lượng tương đối lớn và ngành nghề kinh doanh đa dạng, nên việc phát huy và nâng tầm chất lượng hoạt động của hộ kinh doanh cá thể là hướng phát triển phù hợp với đặc thù diện tích tự nhiên và xã hội của địa phương.
LÊ HIỀN