Đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đang được huyện Đông Giang tìm hướng đi mới.
Đông Giang hiện có 6 THT là THT Dệt thổ cẩm Đhrôồng, THT Dịch vụ du lịch Bhơ Hôồng 1, THT Sản xuất chè dây Ra Zéh, THT Dịch vụ máy cày thôn Ba, THT Phát triển sản xuất thôn Một, THT Phát triển sản xuất thôn Ba và 1 HTX đang đăng ký hoạt động là HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih. Năm 2015, sản xuất kinh doanh của các đơn vị này đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng, thu nhập bình quân 600 ngàn đồng/người/tháng. Bước đầu, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội do HTX, THT mang lại đã đáp ứng một phần nhu cầu liên doanh phát triển kinh tế hộ. Cơ cấu nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. “Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế tập thể ở huyện thấp, chưa theo kịp với các thành phần kinh tế khác. Cạnh đó, THT hay HTX chưa khai thác tốt được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều nơi thiếu linh hoạt, nhạy bén với cơ chế thị trường; cơ sở vật chất kỹ thuật thì thiếu thốn, nội lực yếu” - ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang thừa nhận.
Huyện Đông Giang đã đăng ký xây dựng xã Arooih, xã Ba và xã Jơ Ngây phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay xã Ba đã đạt chuẩn. Ở 19 tiêu chí, kinh tế hợp tác được xác định có vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất. Cho nên, chính quyền huyện xác định cần phải củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng của các THT, HTX và thành lập mới ở xã nào chưa có. Muốn vậy, địa phương sẽ phải tiếp tục hỗ trợ rộng rãi bằng nhiều hình thức, loại hình, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực; xem phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đây, Đông Giang chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, tăng trưởng ngày càng cao và bền vững. Hỗ trợ về trang thiết bị sản xuất, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Để các HTX, THT là “bà đỡ” cho hộ xã viên, huyện kiến nghị Sở NN&PTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tạo điều kiện cho đơn vị phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn vay của Nhà nước và có chính sách đãi ngộ, thu hút lực lượng trẻ tham gia làm việc tại HTX, THT.
“Các tổ chức tín dụng cần linh hoạt cơ chế về thủ tục vay vốn, cho phép THT được dùng tài sản làm thế chấp có nguồn gốc hình thành từ vốn vay, hoặc được vay vốn bằng tín chấp, theo dự án sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Tấn Tuân đề xuất.
KHẢI KHIÊM