UBND tỉnh đã có Quyết định số 1750, ngày 20.5.2016 về việc hợp nhất Làng Hòa Bình và Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thể chất và tinh thần của các em.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Kim Ánh chỉ mong dù có đi đâu cũng không xa các con. Ảnh: D.L |
Yên tâm theo trẻ
Đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam (xã Tam Đàn, Phú Ninh) vào cuối tháng 5, tiếng ca hát của các em nhỏ rộn ràng hẳn lên. Các em đang chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để biểu diễn cho ngày 1.6. Chị Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc trung tâm, tâm sự: “Mới ngày nào ẵm các con từ ngoài cổng vào trung tâm còn đỏ hỏn, hôm nay đã lớn khôn cả rồi, có đứa sắp vào đại học. Trung tâm là tổ ấm duy nhất của các con, chị em ở đây đều thương yêu, quan tâm chu đáo. Trẻ nhận vào lúc còn nhỏ thì thấy nhà rộng rãi, giờ lớn cả rồi nhà trở nên chật, thiếu không gian để vui chơi, phát triển”. Theo chị Hạnh, việc hợp nhất trung tâm với Làng Hòa Bình thời điểm này là hợp lý. “Ở đâu thì cũng là nhà của các con, các con đi đâu thì các mẹ theo đến đó để tiếp tục chăm sóc. Dù có ở đâu thì các bảo mẫu cũng thực hiện nhiệm vụ của mình sao cho tốt nhất, miễn sao không rời khỏi các con là tốt rồi” - bảo mẫu Trần Thị Yến (Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh) tâm sự. Còn bảo mẫu Nguyễn Thị Kim Ánh đã 11 năm gắn bó với căn nhà chung này, lúc mới nghe thông tin cũng hơi lo lắng vì sợ xa các con. Nhưng khi biết chỉ là đổi nhà, giữa các bảo mẫu và các con không có sự chia tách, người mẹ này hết sức vui mừng. Bà Ánh nói: “Lúc đầu chỉ lo bị xa các con, nhưng giờ chỉ là đổi nhà, không có gì phải lo nữa. Ăn, ngủ cùng các con, chứng kiến các con lớn lên trong tình thương của cả xã hội, thương các con như con mình”.
Với việc hợp nhất này, trẻ em mồ côi sơ sinh sẽ được ở trong căn nhà mới, môi trường mới nhưng vẫn là một khu tách riêng với những đối tượng người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang được nuôi dưỡng ở Làng Hòa Bình. Ở trung tâm cũng có trẻ bị khuyết tật nhưng không có khu phục hồi chức năng. Vì vậy, khi chuyển qua Làng Hòa Bình, các em sẽ được chăm sóc, phục hồi chức năng một cách thuận tiện. Và theo chị Hạnh, điều quan trọng là đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm khi hợp nhất với Làng Hòa Bình vẫn được giữ nguyên. Qua đó, tạo thuận lợi để các em yên tâm đến môi trường mới.
Cần hoàn thiện cơ sở vật chất
Làng Hòa Bình hiện nay chỉ mới xây dựng 50% diện tích, vẫn còn dư hai khu nhà có thể ở được 40 người khuyết tật nặng. Vì lúc đầu, Làng Hòa Bình được xây dựng dành cho người khuyết tật nặng, nên thiết kế không phù hợp với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Ông Võ Văn Kiến - Giám đốc Làng Hòa Bình, cho biết: “Chủ trương sáp nhập chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Sau khi hợp nhất, chức năng chính của Làng Hòa Bình là tiếp nhận, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tập trung cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, nuôi dưỡng tạm thời các đối tượng cần chăm sóc khẩn cấp. Như vậy, chức năng sẽ được mở rộng, nhiệm vụ sẽ nhiều hơn nên khi hợp nhất thì sẽ có một số điều động, thay đổi các bộ phận, phòng ban, nhân sự sao cho phù hợp. Cán bộ, nhân viên của Làng Hòa Bình hoàn toàn yên tâm, mở rộng ra thì nhà sẽ lớn hơn, nhiều người ở hơn chứ không có gì xáo trộn”.
Theo ông Kiến, trước khi đưa toàn bộ số trẻ của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh về với Làng Hòa Bình, cơ sở vật chất dành để chăm sóc trẻ cần được quan tâm hoàn thiện. Khu nhà ở dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ em đang đi học phải được cải tạo từ khu nhà đang trống ở Làng Hòa Bình cho phù hợp cũng như xây mới nhiều hạng mục khác. Khu nhà ăn cho trẻ em cũng được xây riêng vì bữa ăn dành cho trẻ em hoàn toàn có chế độ dinh dưỡng khác bữa ăn dành cho các đối tượng người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Hơn nữa, trẻ em cần có không gian vui chơi, vận động, phát triển nên khu vui chơi cũng cần được xây dựng, đầu tư mới. Chưa kể, có những trẻ bị khuyết tật cần được chăm sóc đặc biệt nên rất cần khu phục hồi chức năng với trang thiết bị phù hợp. Như vậy, sau hợp nhất trẻ em sẽ ở trong khuôn viên của Làng Hòa Bình nhưng tách thành một khu riêng biệt để tiện chăm sóc, nuôi dưỡng, ăn học. Cán bộ, nhân viên của cả hai trung tâm đang nỗ lực để “khớp” nhau trong vận hành; việc quan trọng lúc này là xây dựng cơ sở vật chất với chức năng phù hợp để đưa các em sang ở nhà mới.
DIỄM LỆ