Tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa

MAI NHI 25/09/2015 08:49

Thời gian qua thị xã Điện Bàn tập trung đầu tư thủy lợi hóa đất màu nhằm giúp nông dân chủ động nước tưới trong việc chuyên canh, luân canh nhiều loại cây trồng cạn theo hướng hàng hóa tập trung.

Ông Trần Văn Chạy ở thôn Thi Phương (xã Điện Phong) có 8 sào đất màu trên cánh đồng Gò Vịt. Hồi trước, do nguồn nước tưới quá khó khăn nên việc canh tác của ông Chạy không mang lại hiệu quả cao. Cách đây 5 năm, bằng nhiều kênh vốn huy động, chính quyền xã Điện Phong đầu tư một khoản tiền không nhỏ để kéo điện ra cánh đồng Gò Vịt và lắp đặt hệ thống đường ống nhựa dẫn nước khắp chân ruộng nhằm giúp nông dân địa phương thủy lợi hóa toàn bộ 340 sào đất màu. Ông Chạy cho biết, từ khi số diện tích đất màu đó được thủy lợi hóa, việc sản xuất của gia đình ông và 80 hộ dân khác trong vùng diễn ra hết sức thuận lợi. “Nhờ nước tưới luôn dồi dào nên quanh năm tôi không cho đất nghỉ. Hễ nhổ phá đậu phụng, đậu xanh thì trồng bắp lai, bắp nếp và bí đỏ hồ lô. Thực tế cho thấy, với việc luân canh và xen canh những loại cây trồng cạn ấy trên 8 sào đất màu này, bình quân mỗi năm tôi thu được không dưới 60 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, có tệ mấy cũng kiếm được ít nhất 40 triệu đồng tiền lãi, tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2009 trở về trước” - ông Chạy chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Lai - Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, hiện nay trên địa bàn 8 thôn của xã có 385ha đất màu. Thời gian qua, với phương châm Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, địa phương đã chi nhiều tỷ đồng kéo điện ra hàng chục cánh đồng để thủy lợi hóa tất cả số diện tích đất màu vừa nêu. Theo ông Lai, nhờ chủ động nguồn nước tưới nên những năm gần đây nông dân Điện Phong đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Tính đến cuối tháng 9.2015, trong tổng số 385ha đất màu đó thì người dân nơi đây đã đưa 60% diện tích vào xây dựng những mô hình luân canh, xen canh các loại rau đậu và cây công nghiệp ngắn ngày. Bình quân mỗi năm 1ha đất canh tác theo phương thức này cho giá trị 120 - 150 triệu đồng.

Ngoài Điện Phong thì thời gian qua nhiều nơi khác ở Điện Bàn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác này. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, tính đến cuối tháng 9.2015 toàn thị xã đã đầu tư xấp xỉ 26 tỷ đồng kéo hơn 70km đường dây điện ra các cánh đồng để phục vụ khâu thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, hiện nay trong tổng số 3.800ha đất chuyên canh và luân canh cây trồng cạn của địa phương thì đã có 76% diện tích chủ động tưới. Mấy năm gần đây nông dân Điện Bàn đã hình thành được rất nhiều mô hình canh tác rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức hàng hóa tập trung với tổng diện tích 3.100ha đất, bình quân hàng năm 1ha cho giá trị 100 - 180 triệu đồng. Đây là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ ở Điện Bàn nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

MAI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO