Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là những vấn đề được TP.Tam Kỳ quan tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong quá trình xây dựng đô thị, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là người dân vùng ven đô, bị mất đất sản xuất do xây dựng, phát triển của thành phố là vấn đề rất quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Vì vậy, năm 2011, HĐND TP.Tam Kỳ đã ban hành Nghị quyết 04 về Chương trình mục tiêu việc làm giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã có kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động như tư vấn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Theo UBND TP.Tam Kỳ, từ năm 2011 đến nay, chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm đã đem lại cho nhiều người dân cơ hội thoát nghèo. Cụ thể, từ nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, quỹ giải quyết việc làm của tỉnh và các nguồn khác, đã có 454 lao động được tạo công ăn việc làm ổn định với số tiền vay lên tới hơn 8 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND thành phố, các dự án sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tập trung cho các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất, cần chuyển đổi ngành nghề. Trong 5 năm qua, thành phố đã mở được gần 60 lớp đào tạo nghề thu hút khoảng 1.800 lao động tham gia. Các ngành nghề chủ yếu gắn bó mật thiết với nhu cầu của người dân như nuôi gà thả vườn, nuôi nhông trên cát, trồng rau an toàn, trồng nấm bào ngư, nuôi bò, trồng hoa cây cảnh và các nghề truyền thống như dệt chiếu thủ công, đan mây tre… Bên cạnh đó, thực hiện chương trình khuyến nông, lâm, ngư, các đơn vị chức năng của thành phố như Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, Phòng Kinh tế… đã xây dựng chương trình lồng ghép để hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi cho người dân. Ngoài ra, các xã, phường định kỳ hàng năm tổ chức rà soát cung - cầu lao động, nhu cầu học nghề, phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tham gia sàn giao dịch việc làm của tỉnh nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, mỗi năm giải quyết việc làm đạt 4.500 - 4.700 lao động là kết quả rất khả quan so với tình hình thực tiễn của địa phương. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dịch vụ thương mại và công nghiệp xây dựng. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 4% (năm 2010) xuống còn 2,96% (năm 2015), tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 42% (năm 2010) lên 65% (năm 2015). Các chương trình vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần giúp nhiều người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Từ chỗ xuất phát từ nhu cầu của người lao động, nay chuyển sang các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở chủ động phối hợp với các trường, trung tâm mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội. Đào tạo nghề bước đầu cũng đã gắn với việc giải quyết việc làm. “Thời gian tới, thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo, giải quyết việc làm. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng lao động bằng nhiều hình thức đào tạo, định hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và gắn với sử dụng. Đồng thời tiếp tục tăng cường cơ chế hỗ trợ để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn, xúc tiến kêu gọi đầu tư tạo việc làm cho người lao động” - ông Ảnh nói.
TƯỜNG VY