"Tạp âm" của tết

BẢO ANH 14/02/2019 05:42

Tết Kỷ Hợi đã kết thúc, mọi người đã trở lại làm việc từ mấy ngày nay. Nhiều câu chuyện của tết, chủ yếu là chuyện vui - vui như tết, đã và đang được báo chí tiếp tục phản ánh, tiếp thêm hưng phấn để mọi người làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, trong tết, đâu đó vẫn có những chuyện đáng tiếc, phiền lòng, thiển nghĩ cũng nên được kể ra.

Trong dịp tết Kỷ Hợi vừa rồi, thứ “đập” vào tai người nhiều nhất, “tra tấn” người du xuân nhiều nhất, xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, chính là âm thanh của những “bữa tiệc” karaoke. Gặp gỡ, chuyện trò, chúc tụng, thù tạc với nhau xong, rất nhiều gia đình lập tức chuyển sang tiết mục “hát cho nhau nghe”. Những chiếc máy hát karaoke di động (còn được gọi với cái tên loa kéo di động, loa kẹo kéo) được vặn volume hết cỡ và các “ca sĩ” sau khi đã ngấm hơi men cũng gào to hết cỡ. Không có không gian riêng, không có phòng cách âm nên âm thanh từ những chiếc loa ấy mặc sức vang xa, đến mức cách đó gần nửa cây số vẫn còn nghe chát chúa. Bà Đ.T.H., ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho biết, nhà bà có người bệnh nặng cần tĩnh dưỡng nhưng trong mấy ngày tết, hầu như hôm nào cũng bị âm thanh từ máy hát karaoke của hàng xóm tra tấn. Còn một người là khối phố trưởng ở phường An Xuân (Tam Kỳ) cho biết, trong dịp tết vừa rồi ông nhận được 6 cuộc gọi của bà con trong khối phố đề nghị can thiệp vì bị hàng xóm tổ chức ăn nhậu, hát hò ầm ĩ suốt từ chiều đến quá nửa đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của họ.

Trong nhà thì vậy, còn đi ra ngoài đường, ái ngại nhất là những tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông. Phổ biến nhất là tình trạng người đi xe gắn máy chở quá số người quy định. Cùng với đó, nhiều người - nhất là thanh niên, không đội mũ bảo hiểm, lại còn lạng lách, chạy với tốc độ cao. Ngoài việc có khả năng tự gây tai nạn cho mình, những kiểu vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông này còn có nguy cơ gây tai nạn cho người khác. Tuy có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng sự gia tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong dịp tết vừa qua trên địa bàn Quảng Nam so với tết năm ngoái cũng là điều đáng để suy nghĩ. Trong đó, vấn đề đặt ra là lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát và thực hiện nghiêm hơn nữa các quy định về trật tự an toàn giao thông; đừng vì tết mà du di, làm ảnh hưởng không tốt đến thói quen chấp hành luật của người dân.

Một hiện tượng khác cũng xuất hiện tại nhiều nơi trong dịp Tết Kỷ Hợi là tình trạng đốt pháo. 25 năm qua kể từ ngày Chỉ thị 406/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo được ban hành, người dân đã quen và hài lòng với sự bình yên vì không có tiếng pháo nổ; vui mừng vì không phải chứng kiến những tai nạn thương tâm do pháo... thì nay, sự xuất hiện trở lại của tiếng pháo - tuy chỉ là lẻ tẻ, đã khiến nhiều người ái ngại, lo lắng. Để khỏi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, những người sử dụng pháo trái phép thường chỉ đốt vào ban đêm, tầm 23 - 24 giờ. Âm thanh do pháo tạo ra cũng vì thế vang xa hơn và khiến nhiều người... giật mình hơn. Chị Ngô Thị Lan ở Hòa Hương (Tam Kỳ) cho biết, chị vốn yếu tim nên hễ nghe tiếng động mạnh, chẳng hạn như tiếng pháo nổ, là giật mình đến điếng cả người. Tết năm nay, chị đã mấy lần trải qua cảm giác ấy. “Sợ nhất là khi đang chạy xe ngoài đường, bất ngờ nghe nổ đùng một cái, giật mình, tay lái loạng choạng, may là không xảy ra tai nạn” - chị Lan kể.

Nhắc lại những điều phiền toái, đáng tiếc trong dịp tết, xem ra cũng... hơi phiền. Tuy nhiên, nếu chịu khó lắng nghe, để cùng suy nghĩ và cùng có những ứng xử tốt hơn, đúng mực hơn trong cuộc sống hằng ngày và trong nhiều cái tết sau nữa, thiển nghĩ cũng là cần thiết.

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Tạp âm" của tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO