Sắp tròn mười bốn năm ngày giỗ của ngoại. Ngần ấy thời gian bà rời xa cõi tạm, lòng tôi chưa nguôi ngoai nỗi nhớ.

Xóm đảo là quê ngoại, nhìn đâu cũng thấy mênh mông ruộng lúa, bờ bãi mướt xanh. Cả xóm tầm mươi lăm ngôi nhà sinh sống dọc dải đất gần cây số, hễ đến mùa mưa là nhấp nhổm âu lo, bởi con nước bủa vây tứ phía, gió lộng bốn bề.
Để nuôi bảy người con khôn lớn, ông ngoại làm nghề thợ rèn bên cạnh nghề nông, bà ngoại buôn thúng bán bưng. Mưa dầm nắng hạn, đều đặn ba giờ sáng, tiếng chuông chùa Viên Minh thanh thoát vang vọng, ngoại lụi cụi trở dậy, khơi lửa nấu nước chè tươi bằng om đất, sửa soạn mọi thứ chuẩn bị cho ngày chạy chợ.
Chiếc áo tơi là bạn đồng hành của ngoại mỗi bận mưa gió. Áo tết bằng lá cọ, bên trong là bộ khung làm bằng tre được cột sợi mây chẻ nhỏ cho bền chặt, lội bùn men theo bờ ruộng uốn cong đầy cỏ dại trong giá rét lạnh căm.
Quang gánh của bà lúc nào cũng có bi đông nước chè đặc sánh, tráp đựng trầu cùng hộp dầu cù là cao sao vàng thơm lựng. Dấu chân tảo tần ấy rảo bước khắp làng trên xóm dưới.
Nắng đổ bóng, hàng vơi, thúng mủng của ngoại lại chất đầy khoai, sắn, lúa, chuối, dầu trảu... kẽo kẹt trở về giữa đường làng quanh co, đôi vai ngày một trĩu thêm bởi thuở ấy mua bán chủ yếu quy đổi bằng nông sản làm ra chứ ít có tiền mặt. Hay mỗi bận đi sớm về khuya, đèn dầu măng xông là vật chỉ dấu soi tỏ đôi chân trần.
Những bà Chung, bà Ngộ, bà Chuẩn ở bên tê Đèo Le vượt dốc uốn lượn ngoằn ngoèo, đá lởm chởm lặn lội sang bên ni Đèo Le buôn bán nào cá chuồn thính, muối hột, nồi đất, tép khô… tá túc nhà ngoại, áng chừng họ trạc tuổi nhau, thích ăn trầu, nghiện nước chè xanh, thuộc nhiều bài vè dân gian. Ngoại có thêm bầu bạn xuôi ngược gần xa.
Quên sao được buổi trưa yên ả, ngoại đung đưa cánh võng bên gốc duối cạnh giếng làng, hít hà mùi đồng đất quê nhà rồi ngâm nga câu hát: “Ba với ba là sáu/ Sáu với bảy mười ba/ Bạn nói với ta không thật không thà/ Như cây đủng đỉnh trên già dưới non” hay “Chiều chiều con quạ lợp nhà/ Con cu chẻ lạt con gà đưa tranh/ Chuồn chuồn bẻ bí nấu canh/ Con ong rót mắm ngọt thanh như đường”.
Trong một sớm mai yên bình, có ngọt ngào nào bằng ngồi bên ảng nước rêu phong, tôi nâng niu từng gáo nước mát lạnh xối thật khẽ để ngoại gội đầu. Rồi ngoại kể về sự tích miếu Bà Bóng hiển linh, về cái lò rèn của ông bị giặc Mỹ ném bom, về nỗi nhớ thương day dứt đứa con trai đầu lòng ra đi biền biệt ngày đất nước giải phóng.
Ngày tôi ngược núi lên miền biên viễn dạy học, nắm lấy bàn tay nhăn nheo vì tất tả nhọc nhằn, ngoại căn dặn đủ điều từ cái ăn đến nết ở mà thương mà nhớ quá chừng. Giữa thăm thẳm núi rừng, “gửi nỗi nhớ cho mây ngàn bay”.
Má tôi tròn bảy mươi, là “phiên bản” của ngoại qua dáng người, đức chịu thương chịu khó, khéo léo têm trầu cánh phượng duyên dáng. Nhìn má, bóng ngoại cũ xưa thấp thoáng hiện về, mờ xa...