Cây sung già gợi nhắc ngày sum họp

KHƯƠNG QUỲNH 28/05/2023 08:26

Ngày mới chuyển đến mảnh đất ngoại ô, tôi đã phát hiện ra khu vườn nhỏ nhà mình có một “báu vật”. Đó là cây sung nép bên bờ suối, đã rất già.

Cây sung già nép mình bên bờ suối.
Cây sung già nép mình bên bờ suối.

Có lẽ qua một trận mưa lũ, cây sung già ngả hẳn thân người về phía mặt suối, dù rễ vẫn bám chặt vào bờ. Chính vì vậy mà chúng tôi dễ dàng leo lên thân cây để hái trái, hoặc thỉnh thoảng ngồi ôm con mèo nhỏ đu đưa, thả chân xuống mơn trớn dòng nước suối mát rượi.

Vào những tháng cuối năm, thân cây già cỗi nảy ra tua tủa chùm trái sum sê. Nhìn những trái sung nếp to tròn, ruột hồng tươi, mấy đứa nhỏ hàng xóm đã hè nhau đi giã sẵn chén muối ớt đỏ au. Chúng xuống bứt vài chùm trái non lên, cứ thế ngồi túm lại mà chấm với muối ớt. Vị sung xanh ăn sống bùi bùi, chan chát hòa quyện với chút cay cay, mặn mặn và nồng nàn của muối ớt mà thành thức quà lạ miệng.

“Hay là mình muối sung lên nhỉ!”, vừa nảy ra ý nghĩ đó, trí óc tôi bỗng dưng vận động hết công suất để nhớ lại công thức sung nếp muối riềng “thần thánh” của mẹ. Tôi nhớ những ngày còn thơ bé, nhà tôi cũng có một cây sung nếp ở cuối vườn.

Dưới gốc sung là cái hào sâu vì thời đó, người dân còn đốt than củi bán. Họ đốt than trong cái hào đó rồi bỏ lại đầy những tro tàn xám ngoét. Cây sung hút dinh dưỡng từ tro nên rất xanh tốt. Mẹ tôi thường hái những chùm dưới gốc hoặc ngang tầm tay về rửa sạch, bổ đôi trái rồi ngâm với muối hạt cho bớt nhựa.

Trái sung sau khi ngâm rửa vẫn giữ được lớp vỏ tươi xanh. Mẹ thả từng nắm sung vào khạp sành, lại xếp thêm vài lát riềng thái mỏng. Sung và riềng xen kẽ nhau lấp ló miệng khạp. Cuối cùng, mẹ pha nước ấm với muối hạt và một chút đường phèn, đổ ngập lớp sung đã xếp ngay ngắn, lèn chặt và đạy nắp kín bưng.

Tôi vừa hồi tưởng, vừa làm lại từng bước theo cách ấy. Vài ba ngày sau, hũ sung muối của tôi đã ngả màu vàng tươi, dậy mùi thơm của men chua tự nhiên. Sung muối mang ra ăn với thịt luộc, chấm mắm nêm.

Vị beo béo của thịt ba chỉ xắt mỏng cuốn lấy miếng sung chua chua, chan chán bùi bùi và thơm nồng vị riềng bánh tẻ. Món ăn ngon đúng nghĩa “hết nước chấm”. Tôi nhớ thời nhà còn nghèo, lâu lâu mới có thịt cá để ăn. Sung muối chỉ ăn với cơm mà hết chén nọ đến chén kia không chán.

Sung muối chua.
Sung muối chua.

Thỉnh thoảng nhà ăn sang, mẹ đem kho sung muối với cá. Mẹ lót vài lớp riềng dưới đáy nồi, thêm vài khúc cá xen kẽ sung chua, kho bếp củi liu riu để nước màu quẹo lại, rưới thêm vài muỗng mỡ heo để vị beo béo, đậm đà. Hôm nào có món cá kho sung muối là nhà cửa rôm rả hẳn, ba mẹ con cái ngồi quây quần bên mâm cơm, người nọ gắp nhường người kia miếng cá nhiều thịt nhất.

Đó là món ăn “đặc sản” của tuổi thơ chúng tôi những ngày nghèo khó mà quây quần. Bây giờ, thịt cá hiện diện trong mỗi bữa cơm. Anh chị em tôi đã khôn lớn, đi làm, lập gia đình, mỗi người mỗi ngả. Thỉnh thoảng, tôi vẫn phải ngồi ăn cơm một mình, những lúc ấy chợt nhớ quay quắt bữa cơm đạm bạc mà có ba mẹ, anh em ngày còn ở nhà mái tranh vách nứa.

Rồi nhớ những cái tết thuở ấy luôn đầy đủ thành viên. Mẹ bao giờ cũng dành lại chùm sung to nhất, đẹp nhất để bày lên mâm ngũ quả “cầu, dừa, đủ, xoài, sung”. Tôi đã biết cái ý nghĩa “cầu dừa đủ xài”, nhưng sung thì thắc mắc mãi. Mẹ cười bảo, “sung người miền Nam đọc lệch thành sum, ý là sum họp, tiền vừa xài mà phải sum họp thì mới đủ đầy”.

Tết của người lớn như tôi năm vừa chuyển đến chỗ ở mới này cũng có một chùm sung hái từ cây già bên bờ suối. Chùm sung to, trái chi chít ken vào mâm ngũ quả thật đẹp. Vậy mà tự dưng tôi bật khóc, cảnh lấy chồng xa, đã bao năm không về ăn tết cùng ba mẹ, nghe mẹ bảo “không sao đâu con”, mà lòng quặn lại xót xa.

Lần ấy, tôi sắp xếp, mua vé bắt xe đò về nhà vào ngày mùng 2 Tết. Trên ban thờ, mâm ngũ quả của mẹ không có sung vì cây sung già cuối vườn đã chết, nhưng điều đó đâu quan trọng bằng niềm vui sum họp, dù những cuộc trở về đôi khi chỉ chớp nhoáng, chỉ đủ ngồi ăn với nhau một bữa cơm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây sung già gợi nhắc ngày sum họp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO