Mùi tháng Chạp!

HOÀNG THÁI 18/01/2023 08:15

(VHQN) - Khi những vạt bói vạt lau bên triền sông đầu làng rướn bông trắng xóa như mái đầu chú Mười Giới (ba của thằng Thận học cùng lớp) thường chỉ dấu cho biết lụt lội đã hết. Con nước cuối mùa thôi băng qua gò Sạn, xuôi thẳng hướng đò Ông Đốc không về ngang làng nữa; lúc ấy cả làng bắt đầu í ới chuyện xuống đồng cho vụ đông xuân năm tới. Vừa thôi thất thần qua cơn chạy lụt, song trong mỗi căn nhà người dân quê ven bờ sông Thu vẫn chưa hết mối lo: Chạy tết!

Mùa xuân nhớ mẹ. Ảnh: HUỲNH HÀ
Mùa xuân nhớ mẹ. Ảnh: HUỲNH HÀ

1. Những ngày đầu tháng Chạp, tết còn xa nhưng hơi hướm đã bắt đầu len lỏi trong từng ngõ xóm. Sau khi từ đồng nà trở về, ba tôi giúp mẹ soạn sửa lại mấy liếp phơi bánh tráng. Trong nhà, mẹ lúi húi đắp, trét lại cái lò hấp tráng bánh cho kín.

Cữ tết của mẹ tôi bắt đầu như thế…

Tôi là đứa thuộc diện ham chơi nhất nhà, chắc cũng ỷ lại nhà đến bảy, tám thằng con trai thì dễ gì có việc đến tay mình… nên tháng Chạp với tôi sau chuyện học hành là những cuộc lông nhông làng trên xóm dưới, ít khi đỡ đần được gì cho mẹ, có lẽ vì thế mà tôi nào hiểu được những ngày lam lũ ấy là gì.

Khi đám lóc nhóc chúng tôi còn vùi trong cái mền thiếu chân thừa tay thì mẹ đã dậy tự bao giờ. Nhìn thau bột xay đầy ứ hự góc nhà có nghĩa chừng 2 giờ sáng người đã dậy.

Công việc này rất nặng nhọc với đàn bà, con gái; từ công đoạn ngâm gạo cho mềm, vuốt cho trắng hạt, gạo được xay bằng chiếc cối đá ở mé gian nhà dưới, ngay gần cây cột đứt chân. Qua ba bận: bể, vừa rồi mịn, thau bột xay xong như ly sữa khổng lồ. Ấy là tôi liên tưởng bằng con mắt bây giờ, chứ ngày ấy làm gì biết sữa, ngoài sữa mẹ!

Những tia nắng đầu tiên nhòm từ bụi tre bên chái hè vào gian bếp là lúc mẹ tôi kê cái đòn gỗ, ngồi vào tráng bánh. Mẹ ngồi nghiêng trong làn khói màu đục um lên từ miệng lò, lẫn với làn hơi trắng như bông gòn cuộn lên sau mỗi lần mở vung lấy bánh… Hai màu khói ấy mơ hồ… hư ảo, thêm cái vị khói đườm đượm sè cay len vào trong mắt, đậu vào cánh mũi cho cái cảm giác sảng khoái của buổi sáng cuối đông.

2. Khói nhà quê cứ như một ám ảnh tảo tần, rưng rưng mỗi lần hình dung lại…

Mẹ là thế! không nói năng nhiều, công việc liên miên tay chân, vừa ở trong nhà khuấy bột tráng bánh, rồi te tái ra sân trở mấy liếp bánh đã bén nắng vừa co lại, lật trở cho nó duỗi ra, dán mí cho dính rồi cứ thế… quá trưa nắng giòn lên những liếp bánh tròn xoe rộng căng, lúc ấy là đến phần việc của mấy anh em choai choai chúng tôi. Gỡ bánh mang vào xếp trong thúng, hoặc chồng lên cái bàn gỗ giữa nhà…

Ai là chủ gạo sẽ đến mang về, trả công bằng một ít bánh; nhà nào khá hơn thì trả một khoản tiền nho nhỏ cho công xay bột, tráng bánh, củi lửa… Cứ mỗi lần người làng đến nhận bánh tráng về như thế mắt mẹ lại ấm lên một tí khi nghe người ta khen bánh đẹp, ngon, dẻo. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi của người tranh thủ làm mướn cuối năm là vậy!

Mẹ tráng bánh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mẹ tráng bánh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chiều. Khi nắng không còn gắt nữa, nhưng không vì thế mà công việc của mẹ lơi tay. Sau khi dụi tắt những cây củi trong lò, mẹ bắt đầu soạn sửa cho mẻ bánh thuẫn đầu tiên.

Tôi không biết ngoại ngày xưa có bày, truyền nghề hay không nhưng có vẻ như món gì mẹ cũng tự tay làm được, không những thế mà còn nổi tiếng ngon nhất nhì trong làng. Khoảng 25 tháng Chạp, không chỉ bà con trong xóm, mấy dì tôi trong tận quê ngoại Vĩnh Trinh cũng lọ mọ xách vài chục trứng, mấy bọc bột môn tây hoặc ngải giao cho mẹ, rồi vài ba hôm sau quay lại lấy bánh.

Thỉnh thoảng sau việc học hoặc phụ giúp ba tôi xới đậu, nhổ cỏ ngoài đồng, anh em chúng tôi cũng láng cháng quanh chờ mẹ sai việc. Đứa đánh trứng gà, đứa chùi lau khuôn… hoặc ra vườn giật vài tàu lá chuối để mẹ lót trên chiếc nia soạn sửa đủ các loại dụng cụ làm bánh.

Ba tôi nói, bộ khuôn bánh thuẫn này được đem về từ đận nhà chuyển từ Hòa Khánh về quê sau ngày giải phóng; nó trở thành “bộ đồ nghề” không thể thiếu với mẹ qua bao mùa tết nhất, là cái cần câu trong tay mẹ, biến ảo diệu kỳ để mang đến chén cơm, miếng bánh và cả tấm áo lành lặn ngày tết cho đàn con lít nhít gần chục đứa…

Nói bánh thuẫn là nhớ cái mùi vị không lẫn vào đâu được. Một chút ngọt, chút bùi, rộm và tan ngay đầu lưỡi khi ghé răng cắn; láu táu như tôi thì tức khắc bị nghẹn đến ngắc ngứ. Chị Năm tôi sau này cũng học theo mẹ làm nhưng có vẻ từ kiểu dáng đến mùi vị chưa thể sánh được. Bánh mẹ đổ ít khi hỏng, tất cả bung nở đều như hoa mai, thân bánh vàng rộm, cánh bánh xòe nghiêng… Ngày tết, sắp đĩa bánh để cúng gia tiên, tay mẹ cứ run run như sợ tấm quà mọn, lòng thành của mình dâng lên ông bà chưa được như ý.

3. Không chỉ bánh tráng, bánh thuẫn, hay bánh bảy lửa…, mẹ cũng là người làm bánh tổ (có nơi gọi bánh rọ) thuộc hàng ngon trong làng. Loại bánh này thường không làm sớm, cỡ chừng 27 tháng Chạp trở đi mới hấp.

Trước đó mấy hôm nếp được xay mịn, mẹ đem lọc rồi quây lại trong một cái túi, treo lên cho ráo. Anh em tôi chỉ giúp được mỗi công đoạn rọc lá chuối, lau chùi sạch sẽ, ghim lại thành từng chiếc tổ, đặt vào chiếc rọ tre ám bù hóng. Sau đó mẹ pha đường, gừng vào bột, chan đều từng chiếc, rồi rắc lên nhúm mè rang thơm phức…

Chẳng biết tự bao giờ, quê tôi hễ dịp tết thì hầu như nhà nào cũng cúng bánh tổ và mâm cúng đầu năm không bao giờ thiếu cái bánh tròn tròn, thơm lựng mùi đường nếp này.

Không như các loại bánh trái khác, bánh tổ sau 3 ngày tết đem ra phơi nắng cho săn chắc lại, khoảng mùng mười tháng Giêng - lúc bánh lờ mờ lên mốc thì lại là lúc ăn ngon nhất. Có người thích xắt lát đem chiên dầu phụng, còn tôi vẫn khoái cứ để nguyên vậy, cắn miếng bánh dèo dẻo mà cảm nhận được cái mùi vị nhà nông, của sự tảo tần người quê lam lũ.

4. Trở lại tháng Chạp! Cái tháng của lo âu cơm áo, cái tháng lạnh rét nhưng đầy ấm áp.

Mấy chục năm rồi vắng mẹ, thế nhưng cứ cữ gần tết trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác nôn nao, thèm được trở lại ngày xưa - cái thuở thập thò quanh lò bánh, chờ cái bánh thuẫn nào bị sứt tai hay bị tru (có nghĩa bánh bị nặng bột, không nở) mẹ nhón cho và chạy ào ra sân, xuýt xoa nhấm nháp cái vị tết ngay từ trong Chạp.

Dì Bốn Hội - lần nào dòm thấy mặt anh em tôi cũng suýt xoa, kể cơ man chuyện về mẹ. Dì nói, ba tôi gặp mẹ cũng chẳng phải chuyện trai gái hẹn hò, mà chỉ vì tiếng đồn trong xóm Đồng có cô Bảy tháo vát chuyện nhà, nổi tiếng cấy nhanh, gặt lẹ… Ba tôi nghe, đi xem mặt thử, gặp nhau ngoài ruộng, thế rồi nên duyên chồng vợ.

Ngày giỗ mẹ, những chuyện ngày xửa, tít mù năm xưa về mẹ lại ùa về trong câu chuyện mấy dì, mấy cậu… Anh em chúng tôi - đám trẻ lít nhít năm nào giờ đầu cũng đã lấm chấm bạc, tuổi cũng đã nhiều hơn mẹ khi còn trên dương thế, lặng nghe mà thút thít, lưng tròng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùi tháng Chạp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO