(ĐS 21/6) - Có nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng: Tìm nguồn cội hãy đi ngược về các dòng sông. Đi sẽ chứng tri, chứng nghiệm. Thử làm một chuyến điền dã đi dọc dòng sông nào đó hay dòng sông nơi ta sinh ra, biết đâu phát hiện một điều gì: Sông Đà, sông Mã, sông Cả, sông Chu, sông Hồng, sông Hương, sông Hậu, sông Thu nặng lòng…
Mỗi hàng cây, bụi cỏ, dốc đá, lạch suối, đồi nương, hang động, rừng già, núi thẳm… đều có những tâm tình riêng chung. Thật vậy, lật giở từng trang sử trên bản đồ nước Việt để thấy rằng mỗi dòng sông đã kinh lịch không biết bao nhiêu trận quyết tử chống giặc ngoại xâm kể từ ngày dựng nước đến nay và cũng không biết bao sự đổi dời hóa chuyển không ngừng nghỉ của bãi bể nương dâu: “Sông Hồng cuộn sóng lôi cuốn sông Lô/ Sông Đà, sông Đuống trôi xuống sông Cầu/ Nghe Bạch Đằng Giang chôn bao nhiêu xác quân Tàu/ Sông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu” (Trường ca Mẹ Việt Nam - Phạm Duy).
Sông bắt đầu từ đâu? Ai đã tạo ra dòng sông? Đời người có nối tiếp với dòng sông? Nhớ câu chuyện ông Trương Khiên theo lệnh của Hán Vũ Đế đi ngược lên phía tây sông Hoàng Hà để xem sông bắt nguồn từ đâu. Đã qua 25 năm ông Trương Khiên đi mãi và đi mãi không thấy gì. Dòng càng lên phía trên càng quanh co, gấp khúc, hung hiểm…
Một chút ngao ngán, hơi chùn bước thì có người hiến kế với ông cứ về tâu với vua: sông khởi đầu từ trời. Thấy có lý nên khi trở về ông liền bẩm báo với vua in hệt. Nối tiếp ý tưởng ấy, sau này Lý Bạch phóng bút kiệt tác “Tương tiến tửu”: “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai” - (Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống).
Đúng, có một sự thật nước sông chảy từ trên trời xuống. Trong “Mùi hương trầm ký sự” của Nguyễn Tường Bách cũng viết đầy đủ như thế. Cả một dải bát ngát Hy Mã Lạp Sơn trùm kín một vùng băng tuyết mênh mông quanh năm trắng xóa.
Các dòng sông lớn như sông Ấn, Hằng Hà, Dương Tử, Hoàng Hà, Cửu Long đều phát nguyên từ nơi này. Có thể nói nơi nào có núi cao ắt sẽ có nhiều dòng nước chảy ra xẻ lạch rạch dòng. Núi cao chính là thiên thượng lai - từ trên trời đổ xuống.
Lại nhớ câu chuyện thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) qua sông Anoma để đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) vào đêm mùng 8 tháng 2 cách đây hơn 2.600 năm. Có lẽ đấy là đêm xả ly của Đức Thế Tôn đạt đến cùng tột của sự dũng mãnh và vô úy.
Đức Thế Tôn bằng năng lực tự thân, vượt thắng chính mình cùng với chí khí phi thường vượt lên mọi cám dỗ tầm thường để trở thành bậc Đại Giác. Cũng vào cái đêm trên hai người là thái tử Tất Đạt Đa trên lưng kiền trắc mã và người hầu cận Xa Nặc (Channa) trên lưng hồng mã lẻn ra ngoài thành Ca Tỳ La Vệ bước nhẹ êm như ru.
Ánh trăng đêm mùng 8 vụt hiện sáng trưng, một luồng mây sáng lướt qua khi chủ và kẻ hầu chạm đến bờ Anoma. Dòng sông Anoma ngày thường chảy xiết thế mà khi thái tử đến khoảng sông thoạt nhiên ngưng lặng. Và hình như có luồng gió mát lạnh thổi vào bờm con kiền trắc làm nó hơi dún mình, và như có thêm sự trợ lực của chư thiên nâng bốn vó, trong giây lát kiền trắc ra cú phi nước đại đưa thái tử Tất Đạt Đa lướt qua sông Anoma một cách nhẹ nhàng.
Ngồi trên bệ đá bên dòng sông, thái tử chậm rãi cắt lọn tóc rồi đưa cho Xa Nặc đem về cho vua cha và mẫu hậu để làm tin. Đêm hôm ấy bên tai thái tử vang vọng tràng thanh âm “Om” huyền nhiệm phát ra từ lòng sông thổi ngược lên.
Như tự bao đời dòng sông dạy cho ta biết lắng nghe với tâm tĩnh lặng, lòng rộng mở bao dung và lòng không vướng víu chút mong cầu. Hãy thật vui trong cái vui của hiện tại và đừng bao giờ sống vì cái bóng của mình ngày hôm qua.
Tháng Sáu về lòng da diết nhớ người bạn Huỳnh Ngọc Chiến, chúng tôi chơi thân từ hồi còn nhỏ. Tháng Sáu này là giỗ đầu của bạn. Người bạn rất nặng lòng với đất và người Tam Kỳ. Hồi chưa vướng bệnh hiểm nghèo, bạn tâm huyết: mình sẽ ra một quyển sách về Tam Kỳ. Tôi chân thành bộc bạch: Văn hóa Tam Kỳ chưa đủ dày liệu ông có viết nổi? Bạn cười sảng khoái tự tin: mình viết được.
Những con hẻm nhỏ, con đường cong cong vắt mình qua phố, đình đài miếu mạo, những thức ăn mộc mạc quê mùa, hàng cừa ven sông, đường thầu đâu nắng cháy, đường sưa quyến rũ và những người bạn thân… có lẽ là những đề tài bạn tâm đắc.
Xác thân bạn sau khi hỏa táng các hũ tro cốt được đưa về quê nhà. Khi thân căn thiêu hoại của bạn đã rải xuống dòng sông Tam Kỳ, tin rằng những chủng tử (hạt giống) linh thiêng sẽ vượt ngược dòng lên trên nguồn đùa vui hoặc rong chơi ra Biển Đông rộng lớn đầy nắng và gió.
Đi ngược dòng sông để tìm về nguồn cội, để thấy tâm hồn mình được nâng đỡ, được chở che. Dòng sông Mẹ bao giờ cũng tận tụy dâng hiến và sẵn sàng bao dung tha thứ cho những đứa con lỡ lầm lạc trên nẻo đường phù du đầy dông gió.