Tinh thần Noblis Oblig

TƯỜNG MINH 15/09/2020 16:27

(QNO) - Mấy hôm nay Huế rộn ràng đến mức thành trend trên mạng xã hội chuyện áo dài áo ngắn theo phong cách thư lại triều Nguyễn cùng với tấm thẻ bài “Nguyên phong chấp sự” (giữ gìn nếp cũ) đeo lủng lẳng trên ngực, do Sở Văn hóa & thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thí điểm trong nội bộ sở.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế mặc áo dài khi tiếp Đại sứ Úc.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài khi tiếp Đại sứ Úc. Ảnh: T.M

Như thường lệ người ta lại chia phe cãi nhau. Và cũng như thường lệ, bên ủng hộ cũng như bên phản đối, phần lớn là bỉ bôi, la liếm kiểu ăn vạ là chính chứ rất hiếm những luận lý mang tính học thuật và tôn trọng ý kiến của nhau.

Nhớ những năm tháng còn làm phóng viên thường trú ngoài Huế, mùa Festival Huế nào tôi cũng “bị” Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bắt phải áo dài khăn đóng mới được cho vào tác nghiệp tại các lễ hội tâm linh do đơn vị này tổ chức như Lễ tế Giao, tế đàn Xã Tắc… nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm và ảnh đẹp khi lên truyền hình, báo chí.

Tất nhiên là tôi phải đi thuê áo dài khăn đóng để khoác lên người cho rồi việc riêng chung. Nhưng cảm giác, cho đến bây giờ vẫn còn nhớ như in là có gì đó như thể mình đang diễn tuồng chèo. Khoác lên người bộ quốc phục nhưng không hiểu sao cảm giác lại cứ dị dị nhiều hơn là tự hào. Nhất là khi thấy mấy vị quan đầu tỉnh cứ áo dài màu vàng (màu của vua) mà diện nhìn cứ chối chối thế nào đó.

Hôm rồi thì tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan từ bên Đức - một “con yêu bánh nậm” xứ Huế mê đắm áo dài, sưu tập áo dài và đã có rất nhiều bài khảo cứu về áo dài xưa nay - viết hẳn một bài trên báo với tựa đề “Nối lại “đứt gãy” cho áo dài nam”. Bài viết lại gây tranh cãi đến giờ chưa ngớt chung quanh chuyện đứt gãy hay không đứt gãy.

Tôi thì thích nhìn áo dài nam dưới góc độ liêu xiêu và có chút âm tính ỏng ẹo như thể dáng đi của thời gian hơn là sự “đứt gãy”. Bởi ở Huế, đặc biệt là các làng quê, áo dài nam chưa bao giờ cần phải nối lại vì nó luôn hiện diện trong các buổi lễ trọng như kỵ giỗ, chạp họ, ma chay, cưới hỏi…

Có điều, áo dài khăn đóng muốn mặc phải có quy tắc bất thành văn hẳn hoi chứ không phải muốn là đi may một bộ về mặc cho vui, có khi lại bị các “bề trên” bắt vạ. Áo dài khăn đóng và cả guốc mộc, hoa văn, màu sắc phải là người đứng đầu đại diện cho một gia đình, chi phái không kể tuổi tác trong các sự kiện của họ làng, kỵ giỗ hoặc đến một độ tuổi nào đó theo quy định của từng dòng tộc. Và áo dài khăn đóng thường gắn liền với sự hãnh diện, tôn nghiêm của bản thân cũng như sự kiện mà mình tham dự.

Không giống như tôi luôn có cảm giác “tuồng chèo” khi khoác lên mình bộ áo dài hay quốc phục, ba tôi - người vừa đến tuổi được mặc áo dài trong các dịp lễ trọng của dòng tộc nói khi khoác lên mình bộ áo dài khăn đóng và xỏ chân vào đôi guốc mộc, ông có cảm giác mình oai và gần hơn hẳn với ông bà tổ tiên qua những lời khấn nguyện…

Tôi rất thích hình ảnh ngài Đại sứ Phạm Thanh Châu mặc áo dài truyền thống trong các sự kiện ngoại giao quốc tế. Nhưng tôi không thích lắm khi ông giải thích rằng “tôi mặc áo dài để người ta biết tôi là người Việt Nam”. Tôi thích hình ảnh ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài xanh trong sự kiện tiếp Đại sứ Úc mới đây. Nhưng tôi lại không ưng hình ảnh hai ống quần của ông Thọ phủ lên đôi giày Tây thay vì guốc mộc, cũng như việc Sở Văn hóa & thể thao tỉnh này thí điểm chuyện mặc áo dài cùng thẻ bài “Nguyên phong chấp sự” với cán bộ của mình vào sáng thứ Hai hằng tuần, nhìn sao cứ thấy giống phim hơn là đời thực.

Cùng với những cuộc cãi vả, mắng mỏ nhau thay cho tranh luận học thuật, tôi cảm giác là có điều gì đó chưa hợp lẽ lắm quanh chuyện áo dài dù tôi tôn trọng và cảm phục những nỗ lực của “Huế mình” trong việc tiến tới “kinh đô áo dài Việt Nam”. Bởi như người La Mã cổ xưa, từ cách đây 2.000 năm đã có câu: Noblis Oblig. Đại ý đã là quý tộc thì phải ăn mặc, nói năng hợp với hoàn cảnh, vị trí, địa điểm, tình huống… Tôi chả phải quý tộc quý tẹo gì. Chỉ là luôn nhắc để nhớ về một tinh thần Noblis Oblig trong cuộc sống, để luôn nhớ mình là ai, mình đang nói với ai điều gì. Để không phải lẫn lộn các giác quan khi toàn nghe bằng mắt, nói bằng mũi, nhìn bằng tai…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tinh thần Noblis Oblig
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO