Tạp chí Đất Quảng, 5 năm nhìn lại...

TRUNG PHƯỚC 19/04/2014 14:45

Đất Quảng - tạp chí sáng tác, phê bình, lý luận văn học nghệ thuật (VHNT) là diễn đàn vhnt của Hội VHNT Quảng Nam, một sân chơi “trí tuệ” của những người yêu văn chương xứ Quảng, được đánh giá là một trong những tờ tạp chí văn nghệ địa phương trong cả nước trình bày đẹp, có nội dung phong phú, đa dạng...
Chú trọng bản sắc riêng

Không khó để hình dung về dáng vóc tạp chí Đất Quảng tại nơi vốn dĩ là đất văn chương, sản sinh ra nhiều tài năng văn nghệ. Để tạp chí chuyển tải các tác phẩm VHNT phản ánh về mảnh đất và con người Quảng Nam trong khuôn khổ của một tạp chí không phải là chuyện dễ. Càng không phải là chuyện dễ để tờ tạp chí có nội dung phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng. Vì lẽ đó, đề tài cũng như cách phản ánh như thế nào để văn học Quảng Nam không hòa lẫn với văn học nghệ thuật của bất cứ vùng đất nào là tiêu chí quan trọng mà ban biên tập tạp chí đặt ra. Chia sẻ về điều này, ông Phan Chín - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng cho biết: “Ngoài các yêu cầu về tính chân - thiện - mỹ, Tạp chí Đất Quảng ưu tiên chọn in những tác phẩm viết về các đề tài gần gũi với đời sống, tâm tư tình cảm của nhân dân, mà trước hết và trực tiếp là những tác phẩm phản ánh về mảnh đất và con người  Quảng Nam. Cạnh đó, khuyến khích và ưu tiên chọn in những tác phẩm được viết bằng bút pháp mới nhưng không xa lạ với tâm lý phổ quát của công chúng và phải có chất lượng cao. Ngoài ra, khi chọn bài để in, Tạp chí Đất Quảng căn cứ hoàn toàn vào chất lượng tác phẩm chứ không căn cứ vào mức độ nổi tiếng hay sự quen biết của tác giả. Do vậy, trong thời gian qua, nhất là trong 3 năm trở lại đây, gần 20 tác giả trẻ, mới đã có cơ hội xuất hiện trước công chúng vhnt và nhiều người trong số này đã được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh”.

diện mạo tạp chí Đất Quảng.
Diện mạo tạp chí Đất Quảng.

Bản sắc văn học của một vùng đất được nhìn nhận khá rõ từ kênh thông tin, quảng bá của chính mảnh đất đó. Tạp chí Đất Quảng chính là nơi đầu tiên nuôi dưỡng, kích thích tình yêu văn học và cũng chính là nơi chứng kiến sự trưởng thành của các hạt mầm đó, thông qua những tác phẩm văn chương. Ở đó, có thể thấy một diện mạo thơ Quảng Nam đầy màu sắc, những phá cách, thể nghiệm ở nhiều thể loại khác nhau cũng như sự dày dặn trong các mảng phê bình lý luận văn học. Không chỉ có vậy, từ sân chơi này, một số tác giả đã bước đầu khẳng định được mình, không chỉ trên sân chơi “trí tuệ” của tỉnh mà còn của cả nước như Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Thị Hồng Phong, Hoàng Nam (văn học), Lê Văn Ánh, Võ Văn Phi Long (nhiếp ảnh), Ngọc Phước, R’ Tuân (âm nhạc), Vũ Trọng Anh, Lê Nguyên Chính, Nguyễn Văn Huy… Đặc biệt, với việc duy trì thường xuyên chuyên mục văn học - học văn, Tạp chí Đất Quảng đã đăng tải nhiều sáng tác, bài nghiên cứu về văn học nói chung và các vấn đề về dạy văn, học văn trong nhà trường nói riêng. Qua đó, khuyến khích, kích thích niềm ham mê sáng tạo cho các cây bút nhỏ tuổi, vừa góp phần khơi lên ngọn lửa tình yêu văn học trong học sinh và giáo viên. Từ sân chơi này, nhiều em học sinh đã được đề cử đi dự trại sáng tác văn học hằng năm do một số ban ngành của tỉnh tổ chức và liên tục giành được giải cao...

Cái “được” của Đất Quảng

Bút ký, ghi chép, phóng sự... là thể loại văn học “xung kích” (chữ dùng của nhà văn Tô Hoài) phản ánh trực diện đời sống xã hội và có tác động lớn đến đời sống xã hội. Rất tiếc là trong những năm qua, Tạp chí Đất Quảng không có nhiều tác phẩm thuộc thể loại văn học “xung kích” này. Phải chăng, vì thế mà người đọc cứ nhớ mãi cái thời đã qua của Tạp chí Đất Quảng với “Úp phi - chuyện có thật ở xã Đại Phương” (Hồ Duy Lệ), “Đi dọc đường biên” (Nguyễn Bá Thâm), “Tiếng chim không báo điềm lành” (Nguyễn Tam Mỹ)...

Nhạc sĩ Phan Văn Minh, người đang phụ trách chuyên mục Trà dư tửu hậu của Tạp chí Đất Quảng, cũng là cộng tác viên lâu năm của tạp chí, chia sẻ: “Ba năm trở lại đây, theo đánh giá của nhiều người, Tạp chí Đất Quảng đã có chất lượng tốt, nhiều bài viết rất đáng đọc, nhiều tác phẩm tốt. Bản thân tôi phụ trách chuyên mục của tạp chí, chủ yếu là những chuyện văn chương, trà dư tửu hậu, cũng được anh em văn nghệ sĩ và độc giả đánh giá tốt. Mảng thơ bên tạp chí được chọn lọc kỹ càng; mảng văn xuôi phong phú, riêng mảng phê bình nghiên cứu văn học có nhiều bài viết rất đạt chất lượng”. Và không chỉ là một sân chơi “trí tuệ” để các văn nghệ sĩ có dịp giãi bày tâm tư thông qua tác phẩm của mình, Tạp chí Đất Quảng còn mở ra cơ hội và tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ giao lưu, quảng bá tác phẩm, duy trì nguồn tác phẩm dồi dào, phong phú để lựa chọn nhằm nâng dần chất lượng nội dung. Từ đó, góp phần giúp các văn nghệ sĩ địa phương bắt kịp và đồng hành với đời sống văn học đất nước, phát huy vai trò cầu nối trong việc giới thiệu các tác phẩm văn học có chất lượng đến với công chúng cũng như phát hiện, bồi dưỡng những người có khả năng sáng tác ở địa phương.

Ông Phan Chín nói thêm rằng, Tạp chí Đất Quảng 5 năm qua có mấy cái “được” như tăng được số kỳ phát hành từ 2 tháng/số lên mỗi tháng một số, thu hút được lượng cộng tác viên rất lớn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. “Ngoài ra tạp chí còn được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam công nhận là một trong 6 tạp chí chuyên ngành VHNT có nội dung tốt nhất khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Từ năm 2009, Tạp chí Đất Quảng tổ chức xét trao tặng thưởng hằng năm đối với các tác giả có tác phẩm chất lượng cao in trên tạp chí (không phân biệt tác giả là hội viên hay chưa hội viên, trong hay ngoài tỉnh). Và đến thời điểm này, tạp chí không có sai phạm về chính trị hoặc chuyên môn, chuyển tải khá đầy đủ các hoạt động thời sự chính trị nhưng vẫn không lấn át tính văn nghệ của tờ tạp chí” - ông Chín cho biết.

TRUNG PHƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạp chí Đất Quảng, 5 năm nhìn lại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO