Xóm lại đồn ầm lên, chuyện ông lang Hải chuyên bốc thuốc nam bị “tập hai” đá, đã đâm đơn ly dị mấy tuần trước. Nhiều người bảo, nhân quả nhãn tiền, ổng ác vậy phải để cho bả trị. Chứ ai đâu khổ như dì Nhẫn.
Dì Nhẫn là vợ cũ của ông Hải. Hồi đó dì lấy ông rồi mà nhiều người vẫn ngó theo. Dì đẹp, đẹp nhất là đôi mắt đen nháy lúc nào cũng như chứa đầy nước. Má tôi nói những người đàn bà có đôi mắt như vậy thường khổ.
Tôi cũng ngờ ngợ như vậy, vì hồi còn nhỏ, có lần tình cờ thấy dì Nhẫn ôm bé Hà ngồi ngoài suối khóc, thấy cả những vết roi tím rịm, in hằn trên lưng, trên cánh tay trắng muốt khi dì cởi áo, ngâm mình dưới nước. Con bé Hà xuýt xoa: “Má đau không? Cha còn đánh má chỗ nào nữa?”.
Tôi về kể chuyện thấy cái lưng dì Nhẫn cho má nghe, má chống nạnh, hầm hầm chạy qua kéo tay dì Nhẫn hỏi: “Thằng chả lại đánh bây hả?”. Dì Nhẫn lắc đầu: “Đâu có, chị nghe ai?”. Dì là vậy, từ xưa giờ có khổ mấy cũng nín nhịn để nhà cửa êm ấm, có cạy miệng cũng không chịu nói.
Ông Hải chồng dì là người gốc Bắc, ngôi nhà ba gian vẫn giữ cái bậc cửa cao ngang đầu gối. Vừa bước vô nhà là thấy cái bàn thờ lúc nào cũng thoang thoảng nhang trầm, ngay dưới là cái phản bằng gỗ. Năm đó, có lần, má con tôi qua bốc thuốc đúng lúc nhà ông đang ăn cơm. Hai má con ông Hải ngồi chân xếp bằng trên chiếc phản, mâm cơm có rau luộc, nước canh và một con cá chép rán vàng rộm. Dì Nhẫn cùng hai đứa nhỏ ngồi trải đất dưới chiếu, chỉ có mỗi dĩa bầu luộc và chén nước tương. Má tôi thấy vậy, kéo tôi quay trở ra, mặc cho ông Hải vẫn ngồi trên phản nói với: “Bác ở lại xơi cơm”. Má đáp liền: “Anh ngồi đó nuốt dô chứ tui nuốt sao nổi”.
Người làng nói, ông Hải cay nghiệt một thì má ổng cay nghiệt mười. Hồi trước, bác Tư gần nhà tôi còn thấy bà túm tóc dì Nhẫn cho ông Hải đánh vợ, chỉ vì dì lỡ ngồi lên bậc cửa. Má con bà vừa đánh dì, vừa gằn giọng chửi: “Mày dám chổng mông vào tổ tiên nhà tao”. Nghe đâu bà ghét dì Nhẫn chỉ vì dì không sinh được con trai để nối dõi tông đường. Rồi một hôm, bà dắt hẳn một người phụ nữ về nhà, xun xoăn biểu ông Hải ra tiếp. Người này nghe đâu ở xóm trên, là gái quá lứa lỡ thì.
Không biết ông Hải hay dì Nhẫn là người viết đơn. Nhưng sau đợt đó, họ bỏ nhau gọn ơ. Dì Nhẫn nhận nuôi hai đứa nhỏ để ông Hải yên tâm cưới vợ mới, đặng kiếm đứa con trai. Dì lẳng lặng dắt hai đứa vô mảnh rẫy được ông chia cho, một tay cất nhà, một tay cuốc đất trồng rau bán lấy tiền nuôi sắp nhỏ ăn học.
Ông Hải cưới bà Hai được sáu năm thì cũng được ba cô “vịt trời”. Nhưng má con ông chẳng dám hó hé chuyện bà Hai không biết đẻ. Từ ngày cưới người phụ nữ thô kệch, có bờ vai rộng như đàn ông ấy về nhà, dường như mọi trật tự trong nhà ông Hải được sắp lại, không có chuyện ăn cơm mâm trên mâm dưới. Người ta còn thấy ông Hải xách tã lót của mấy đứa con ra suối giặt - chuyện không bao giờ có khi ông sống với dì Nhẫn. Hết hồn nhất là chuyện bà cụ ở cái tuổi ngoài 80 phải lụi hụi vô bếp thổi cơm cho con dâu.
Vậy mà cuối cùng, người đâm đơn bỏ ông Hải là bà Hai. Lý do bỏ nhau, bà chỉ ghi đúng hai chữ “không hợp”. Thủ tục ly dị xong xuôi, bà Hai dắt cả ba đứa con về quê ngoại tận miền Trung sống.
Từ ngày bà Hai bỏ đi, không khí trong căn nhà của má con ông Hải lạnh tanh. Chiều nào, khi người ta hối hả kịp bữa cơm chiều thì ông Hải lại đi lang thang ra quán cà phê đối diện cổng trường cấp hai, ngơ ngẩn nhìn đám trẻ con còng lưng đạp xe về sau giờ tan học. Trong đám con nít đó có bé Hà, bé Hậu - con gái của ông và dì Nhẫn. Còn bà cụ thì ngồi ở bậc cửa, tay vo mãi miếng trầu đã nát tươm...
KHƯƠNG QUỲNH