Ngày 4.4.1974, nhân kỷ niệm 48 năm ngày mất của chí sĩ Phan Châu Trinh, nhóm Văn Sử tổ chức một cuộc triển lãm, một buổi diễn thuyết, đồng thời phát hành tập san Văn Sử, số đầu tiên, số đặc biệt về Phan Châu Trinh (Nhà yêu nước Phan Châu Trinh mất vào lúc 21 giờ ngày 24.3.1926 tại Sài Gòn; đồng bào cả nước cử hành tang lễ và truy điệu vào ngày 4.4.1926). Để chuẩn bị cho triển lãm, anh em trong nhóm - chịu trách nhiệm chính là các anh Nguyễn Xuân Hoa và Trần Đại Vinh - đã sưu tầm được hơn 100 tấm ảnh và thư từ phục vụ cho chủ đề Phan Châu Trinh. Dựa vào chủ đề kỷ niệm về Phan Châu Trinh, cuộc triển lãm đã giới thiệu được hai bộ ảnh đáng chú ý. Bộ ảnh thứ nhất “Tình cảnh nô lệ của dân tộc thời Phan Châu Trinh”, đập vào mắt quần chúng là những hình ảnh các sĩ phu Văn Thân, Cần Vương hoặc mang gông cùm, hoặc bị hành quyết, và hình ảnh những người dân đói khổ, chỉ có da bọc xương. Bộ ảnh thứ hai là hình ảnh đám tang và lễ truy điệu nhà yêu nước họ Phan, những rừng người lớp lớp chen dày, với biểu ngữ thương tiếc cụ Phan, làm bật lên được sức mạnh của nhân dân yêu nước. Những dòng chữ ghi chú ở các bức ảnh có tác dụng tạo sự liên tưởng, so sánh giữa cảnh nô lệ trong quá khứ với sự lệ thuộc ngoại bang của chính quyền hiện tại.
|
Đáng chú ý nhất trong cuộc triển lãm này là, ở ngay vị trí trưng bày quan trọng nhất, đã đưa ra hình ảnh được phóng lớn “Thư của Nguyễn Tất Thành gửi Phan Châu Trinh”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, tại Huế, ngay trong vòng kềm kẹp của chính quyền Sài Gòn, bút tích của Bác Hồ thời trẻ đã được trưng bày công khai. Cảnh sát, mật vụ không biết Nguyễn Tất Thành chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn giới trí thức trẻ, do đã được rỉ tai, qua đó hiểu ra rằng, không phải như luận điệu tuyên truyền của các chính quyền miền Nam trong suốt nhiều năm tháng qua là, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là những nhà cách mạng quốc gia, còn Hồ Chí Minh là Cộng sản, hai ý thức hệ đối lập như nước với lửa. Hoàn toàn không phải thế ! Các nhà cách mạng bao giờ cũng chỉ vì Độc lập của đất nước và Tự do của dân tộc.
Nhà giáo Trần Viết Ngạc, người đăng đàn diễn thuyết đề tài “Phan Châu Trinh và sự nghiệp xây dựng ý thức cách mạng” đã nêu bật được dã tâm của những kẻ xâm lược khi nói đến “Chế độ thực dân dùng chính sách dĩ Việt chế Việt” và “Chế độ thực dân là sự tàn ác, phi nhân”. Đây là thành công thứ hai của nhóm Văn Sử, vì qua bài nói chuyện của anh Trần Viết Ngạc, người nghe - nhất là giới trẻ - dễ dàng có sự liên tưởng giữa thực dân cũ và thực dân mới.
Cũng ngay trong khu vực triển lãm, tập san Văn Sử, số đầu tiên, được phát hành rộng rãi. Thượng tọa Thích Đức Tâm đã khôn khéo mời Đại tá Tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế, và một số quan chức chính quyền, tham dự triển lãm và buổi ra mắt tập san Văn Sử. Trong khi ngài Tỉnh trưởng và các quan chức được “kính tặng” tập san, thì ở phía ngoài, hàng trăm số tập san khác đã được phát hành tận tay người đọc đủ mọi thành phần. Như vậy là tập san Văn Sử đã mặc nhiên có được thế công khai, dù chẳng hề có giấy phép xuất bản. Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng, ngay ở số báo đầu tiên ấy, trên mặt bìa không hề ghi hai chữ “tập san”. Phải tới số thứ hai, với chủ đề “Phật giáo và văn chương - lịch sử Việt Nam” mới ghi rõ là “Tập san Văn Sử”. Cũng từ số thứ hai này, ở trang bìa 4 đã in công khai tên của Ban biên tập, những người cộng tác, người trình bày bìa và cả hộp thư nhận bài vở. Còn tới số thứ ba, với chủ đề “Ngày thất thủ kinh thành Huế” thì chẳng những có tên Ban biên tập mà còn có cả tên người phụ trách số báo và người ấn loát. Họa sĩ Đinh Cường là người trình bày bìa, đã bỏ công chăm chút cho mẫu bìa được đẹp nhưng trang trọng, đứng đắn. Công việc đánh stencil do chị Trương Thị Cúc phụ trách, còn việc in, xếp trang, đóng xén thì đều do anh em cơ sở cách mạng thực hiện, nghĩa là đảm bảo được nội dung cho tới lúc báo đến tay người đọc. Có một điều thú vị, có thể coi như một thứ tình sử, là qua công việc thực hiện tập san Văn Sử, giữa người biên tập bài vở là Bí thư Chi bộ Giáo chức nội thành Huế - Nguyễn Xuân Hoa và người thực hiện đánh máy stencil - Trương Thị Cúc đã hình thành một tình yêu đẹp của những người cùng chí hướng, để cả hai nên duyên chồng vợ khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất.
Cũng qua hoạt động của nhóm Văn Sử, càng ngày Thượng tọa Thích Đức Tâm càng tin tưởng và đã đồng ý giao cho nhóm xây dựng Đoàn Giáo chức Phật tử thành phố Huế, mà thành phần nòng cốt đều là những cơ sở cách mạng. Từ đó, nhóm Văn Sử có điều kiện thực hiện công tác “hậu cần”, ví dụ như mua được một bộ chữ in typo từ Sài Gòn chuyển về Huế, để chuyển tiếp lên rừng.
Nhóm Văn Sử cũng đã thực hiện được việc vận động các văn nghệ sĩ, trí thức Huế ký tên chung trong một bản “Tuyên cáo” đòi chính quyền phải trả lời rõ ràng, công khai về việc bắt giữ nhà giáo - nhà thơ Ngô Kha. Bản “Tuyên cáo” này đã được đăng trên tạp chí Đối Diện, số 65 - 66, tháng 12.1974, nhằm báo động với dư luận rộng rãi để tránh tình trạng anh Ngô Kha có thể bị thủ tiêu.
Tập san Văn Sử ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử khốc liệt, và đã đóng trọn vai trò của một tờ báo yêu nước vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến mười nghìn ngày đêm - thiên sử thi bi tráng của dân tộc Việt.
*
* *
Bây giờ, 40 năm sau những ngày hoạt động sôi nổi đó, có dịp về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - xã hội, Đại học Duy Tân Đà Nẵng, tình cờ được đọc lại cả 4 số Văn Sử (bản sao chụp), tôi nhận ra rằng, tuy ra đời vì yêu cầu chính trị, nhưng tập san này, cho đến nay, vẫn có giá trị về mặt học thuật.
Sau quãng thời gian dài đến 2/3 tuổi đời hiện nay, và sau những gì phải chứng kiến từ cuộc sống của những người bạn chiến đấu cũ, kể cả từ chính cuộc sống của bản thân, tôi nghĩ rằng, khi đất nước đang đứng trước vô vàn thách thức như lúc này, đã có thể khẳng định: cũng giống như những người Việt Nam yêu nước khác ở khắp miền Nam trước đây, những người trong Ban Biên tập Tập san Văn Sử ngày đó đã chọn Tình Yêu Nước.
Quả vậy! Họ chỉ đơn thuần chọn sống như những người yêu nước.
Cá nhân tin chắc rằng, những người trẻ hôm nay cũng sẽ chọn lựa như chúng tôi đã từng chọn lựa, nếu đất nước bị xâm lăng, dù kẻ xâm lược tới từ nơi đâu, ở vùng trời hay vùng biển nào. Đó là truyền thống yêu nước của người Việt Nam.
Nhân Ngày Nhà báo Việt Nam, tôi muốn gửi niềm tin và tình yêu không đổi dời ấy đến tất cả những người đã có một thời biết quên mình cho những ước mơ.
TẦN HOÀI DẠ VŨ