Tập trung các giải pháp

VĂN SỰ 17/06/2015 09:45

Trồng trọt và chăn nuôi là hai lĩnh vực rất quan trọng trong ngành kinh tế nông nghiệp. Muốn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển một cách bền vững thì những năm tới nhất thiết Quảng Nam phải tập trung đẩy mạnh việc tái cơ cấu theo đề án của Chính phủ. Vậy, đâu là giải pháp để thực hiện thành công khâu này?

Ưu tiên thu hút doanh nghiệp

Ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho rằng, sở dĩ hàng chục năm nay việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt của người dân xứ Quảng gặp khó là do mối liên kết giữa nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp không chặt chẽ, thậm chí nhiều nơi quá xem nhẹ vấn đề này. Theo ông Bằng, trong cái mối liên kết “4 nhà” ấy thì nhà doanh nghiệp luôn đóng vai trò chủ đạo. Bởi, nếu nhà nước – nhà nông – nhà khoa học có nỗ lực phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung, chọn lựa nhiều loại cây trồng có giá trị cao đưa vào canh tác nhưng không có nhà doanh nghiệp thu mua sản phẩm theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra thì chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ thấp và tính bền vững không cao. Ông Bằng nói: “Theo quan điểm của tôi, muốn giải quyết tốt bài toán về đầu ra cho sản phẩm của lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thì Trung ương và tỉnh nên có những cơ chế chính sách thông thoáng hơn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn nhằm gắn chặt khâu sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Trong đó, nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, cơ sở hạ tầng thiết yếu và ứng dụng khoa học công nghệ”.

Nhà nông rất cần thông tin định hướng thị trường để chủ động sản xuất. Ảnh: V.SỰ
Nhà nông rất cần thông tin định hướng thị trường để chủ động sản xuất. Ảnh: V.SỰ

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp và những đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đề nghị Sở Tài chính cân đối bố trí bổ sung nguồn kinh phí để các địa phương thực hiện tốt Quyết định số 41/QĐ-UBND (ngày 4.12.2014) của UBND tỉnh về cơ chế khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành một số cơ chế về hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung tương tự như hỗ trợ đầu tư các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, Nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư để có mặt bằng sạch kêu gọi các dự án theo Nghị định số 210/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.

Chú trọng chuyển đổi cây trồng

Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ông Ngữ nói: “Từ nay đến năm 2020, Thăng Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân chuyển khoảng 1.000ha đất lúa bấp bênh nước tưới sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực. Trong đó, đậu phụng là loại cây được lựa chọn số 1, nhất là đối với những xã vùng cát”.

Thu hút doanh nghiệp về nông thôn để nông sản có đầu ra ổn định.
Thu hút doanh nghiệp về nông thôn để nông sản có đầu ra ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, bây giờ đối với Quảng Nam thì khái niệm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ không còn là vấn đề quan trọng. Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là phải lựa chọn những loại cây công nghiệp ngắn ngày phù hợp để đưa vào canh tác trên đất lúa theo phương thức xen vụ chứ không nên độc canh cây lúa như hàng chục năm qua. Ông Đức nói: “Trong những năm gần đây, toàn tỉnh đã chuyển khoảng 4.000ha đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn. Tuy nhiên, con số đó mới chỉ chiếm 10% tổng diện tích đất lúa hiện có. Thời gian tới, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ cùng nhau khảo sát, tiến hành quy hoạch một cách cụ thể để tiếp tục chuyển đổi thêm ít nhất 25% diện tích đất lúa nữa. Tôi cho rằng, đây là xu hướng tất yếu trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt vì làm như vậy sẽ hình thành một hệ thống luân canh, giúp đất canh tác được giải phóng, cầu nối sâu bệnh bị cắt đứt và quan trọng nhất là nâng cao được giá trị sản xuất”.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị cấp trên cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành cơ chế chính sách riêng để khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhất là vấn đề đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các loại cây trồng cạn, đảm bảo đủ khả năng thay thế nhập khẩu.

Tránh vòng luẩn quẩn

Một số ý kiến cho rằng, đối với Quảng Nam, ngư nghiệp và lâm nghiệp còn nhiều tiềm năng hơn. Trong nông nghiệp thì chăn nuôi còn nhiều tiềm năng hơn trồng trọt. Trong trồng trọt, nhóm các cây trồng cạn có lợi thế hơn cây lúa. Do đó, ngay từ bây giờ cần phải bố trí lại cơ cấu sản xuất trong từng tiểu ngành. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các giải pháp khác nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của từng cây trồng, vật nuôi chủ lực. Vấn đề trọng tâm trước mắt mà tỉnh phải làm là tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, trong đó bắp và đậu phụng được xác định là 2 loại cây trồng chính.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh cần chuyển hướng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung ở vùng đồi núi, trung du phía tây. Đồng thời đưa chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong nông hộ ở các khu dân cư đông đúc ra vùng cách xa hơn để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát được dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, tích cực kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển trang trại gắn với tạo vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi. Qua đó, tạo chuyển dịch cơ cấu lại đối với sản xuất trồng trọt theo hướng tăng diện tích cây bắp từ 13.500ha như hiện nay lên 17.000ha vào năm 2020.

Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng với việc cơ cấu lại sản xuất thì nhất thiết phải khớp nối quy hoạch nhằm tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông nông thôn để kết nối các làng xã đến thị trấn, trung tâm tỉnh, thành phố. Qua đó, kết nối phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản phẩm, tạo điều kiện phát triển các loại hàng hóa, giúp nông dân có cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập. Đặc biệt, phải tăng cường chỉ đạo hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp nhằm kiến tạo các mối liên kết ngang - dọc trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ với mục đích nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy hình thành các mối liên kết, tác động hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường… “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững cần được đặt trong tầm nhìn tổng thể cả nước thông qua quy hoạch ngành hàng, dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, lợi thế vùng để xác định chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực. Có như vậy thì từng địa phương mới có thể thực hiện thành công. Nếu thiếu điều này, chúng ta sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của quy luật cung - cầu. Từ đó, tôi đề nghị nên có quy hoạch xác định diện tích, khối lượng các sản phẩm chủ lực cả nước và theo vùng. Tăng cường năng lực dự báo thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung, phục vụ cho lập kế hoạch sản xuất dài hạn với các cây nông nghiệp dài ngày; trung hạn và hằng năm với các sản phẩm vật nuôi, thủy sản, cây trồng ngắn ngày” – ông Muộn chia sẻ.

VĂN SỰ

ÔNG PHAN HUY THÔNG – GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA:

Cần mở rộng diện tích sản xuất giống lúa hàng hóa

Mới đây, tại hội nghị đánh giá công tác sản xuất giống lúa trên toàn quốc diễn ra ở huyện Đại Lộc, ông Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhìn nhận, nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thích hợp nên những năm qua rất nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Quảng Nam liên kết với nông dân tổ chức sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa lai theo hướng bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy, tham gia sản xuất giống lúa hàng hóa, thu nhập của nông dân xứ Quảng tăng 25 - 35% so với làm lúa thương phẩm. Được biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 4.000ha đất chuyên sản xuất giống lúa, tập trung chủ yếu ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành. Trước hiệu quả thiết thực vừa nêu, trong những năm tới Quảng Nam cần tiếp tục quy hoạch, mở rộng thêm diện tích chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế. Nếu gặp khó khăn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẵn sàng hỗ trợ cho địa phương, bởi đây là một trong những hướng đi quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

ÔNG PHAN MINH DŨNG – PHÓ CHỦ TỊCH UBND THỊ XÃ ĐIỆN BÀN:

Phải nhân rộng dịch vụ thú y trọn gói

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, chúng tôi đưa ra rất nhiều giải pháp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài việc mở rộng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai, lúa thuần và lúa thương phẩm chất lượng cao thì tại những địa phương vùng cát sẽ tập trung phát triển những mô hình trồng rau an toàn, hoa cây cảnh. Về chăn nuôi, sẽ chọn bò lai và heo hướng nạc làm hướng chủ đạo, nhất là ở vùng Gò Nổi. Theo tôi, muốn nhanh chóng nâng cao tỷ trọng của lĩnh vực chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp thì cần chú trọng thu hút đầu tư để hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Để đảm bảo vấn đề an toàn dịch bệnh, nhất thiết phải có những cơ sở sản xuất và cung ứng con giống chất lượng cao tại chỗ. Đồng thời tích cực củng cố đội ngũ thú y cơ sở, tăng cường khâu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, phun tiêu độc khử trùng và đặc biệt là phải nhân rộng mô hình dịch vụ thú y trọn gói nhằm đảm bảo đàn vật nuôi có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt cao…

ÔNG HUỲNH TẤN ĐỨC – GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT:

Tránh tình trạng cung vượt cầu

Với lợi thế có thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý, sắp tới chúng tôi vẫn sẽ chọn loại cây trồng cạn này để đầu tư trên hệ thống canh tác đất màu toàn tỉnh, trong đó lấy huyện Phú Ninh làm trục chính. Về chuyện đầu ra của sản phẩm, ngành nông nghiệp xác định chủ yếu là tiêu thụ nội địa (phần lớn ở các địa phương phía Bắc) chứ nhất quyết không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như lâu nay. Nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giá thu mua thấp, ngành nông nghiệp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phải ngồi lại với nhau để bàn bạc cụ thể phương án hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất dưa hấu theo kiểu rải vụ chứ không nên đồng loạt gieo trồng cùng thời điểm như hàng chục năm qua. Tôi tin rằng, áp dụng phương thức đó, nhất định sẽ thành công.

ÔNG NGUYỄN VĂN NGỮ - CHỦ TỊCH UBND HUYỆN THĂNG BÌNH:

Muốn sản xuất hàng hóa, phải tích tụ ruộng đất

Hiện nay, đất sản xuất của nông dân không nhiều. Trên cùng cánh đồng, người này trồng lúa, người khác lại trồng dưa, bắp, cà, rau… vì thế việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa là rất nan giải. Do đó, Nhà nước cần tạo cơ sở pháp lý cho nông dân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu được tích tụ ruộng đất để xây dựng những mô hình canh tác tập trung nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Thời gian tới, Thăng Bình sẽ thực hiện mô hình điểm, nếu thành công chúng tôi sẽ nhân ra diện rộng.   

ÔNG HUỲNH ĐỨC VIÊN – TRƯỞNG PHÒNG NN&PTNTHIỆP ĐỨC:

Không có nước tưới, mọi nỗ lực đều thất bại

Nước tưới là tiền đề trong sản xuất nông nghiệp, là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành bại của vụ mùa. Những năm qua, vấn đề thủy lợi là trở lực rất lớn đối với việc phát triển ngành trồng trọt của Hiệp Đức, bởi trong tổng số 1.353ha đất lúa của huyện thì đến giờ này mới chỉ có 65% diện tích chủ động tưới. Đáng nói hơn, lâu nay 500ha đất màu ở nhiều nơi trên địa bàn huyện cũng canh tác theo kiểu… cầu trời. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất thì theo tôi trong thời gian tới Hiệp Đức cần phải giải quyết tốt khâu nước tưới. Nếu không có nước tưới thì dù ngành chuyên môn có nỗ lực hỗ trợ nông dân nguồn giống chất lượng cao, chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến… cũng sẽ thất bại mà thôi.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí quá lớn, ngân sách địa phương hết sức eo hẹp nên Hiệp Đức rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Và tôi nghĩ, đây cũng là mong mỏi của nhiều huyện trung du - miền núi khác.

ÔNG NGUYỄN VĂN CHÍN – TRƯỞNG PHÒNG NN&PTNT QUẾ SƠN:

Tiếp tục hỗ trợ cơ giới hóa các khâu sản xuất

Những năm qua, tại Quế Sơn nói riêng và các địa phương khác nói chung, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực cho nông dân. Vì thế, trong những năm tới bên cạnh việc đẩy mạnh khâu cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa thì tôi đề nghị các ngành liên quan cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cơ giới hóa các khâu sản xuất để nông dân có điều kiện mua sắm máy móc, nông cụ nhằm đáp ứng yêu cầu của mô hình cánh đồng mẫu. Qua đó sẽ giúp nhà nông giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đây cũng là đòi hỏi mang tính tất yếu trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn.

ÔNG NGUYỄN ĐỨC THÀNH – CHỦ NHIỆM HTX DVSX – KDTH ĐIỆN QUANG:

Nhà nước cần có cơ chế bảo hộ cho doanh nghiệp

Những năm qua, tại xã Điện Quang cũng như nhiều nơi khác, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ ớt liên tục bị… bể. Nguyên nhân là, theo cam kết ban đầu, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng hạt giống, vật tư đầu vào và thu mua theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra thế nhưng đến kỳ thu hoạch ớt thì thương lái khắp nơi nhảy vào giành mua sản phẩm với giá cao hơn. Vì ham lợi, nhà nông thất tín với doanh nghiệp. Do đó, mối liên kết bị rạn nứt. Để tránh xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán như lâu nay, thiết nghĩ Nhà nước cần có cơ chế bảo hộ cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, có hợp đồng cam kết hẳn hoi với nông dân trong khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nếu không sẽ rất khó giữ chân doanh nghiệp trước sự bất ổn của thị trường.

MAI LINH (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung các giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO