(QNO) - Không chỉ đối diện với thời tiết cực đoan, ốc bươu vàng hoành hành ngay từ đầu vụ, nhiều cánh đồng trên địa bàn Đại Lộc còn đối diện với tình trạng chuột sinh sôi, phá hoại và sâu bệnh tấn công mạnh khiến công tác ứng phó gặp khó khăn.
Xử lý bệnh đạo ôn lá
Sau những vất vả, nhọc nhằn phòng trừ nạn ốc bươu vàng bùng phát, sinh sôi mạnh trên đồng ruộng tại những vùng trũng thấp ngay từ đầu vụ, nông dân nhiều vùng Đại Lộc lại tiếp tục đối phó với tình trạng chuột sinh sôi, phá hoại cũng như bệnh đạo ôn bùng phát trên diện rộng. Vụ này, gia đình ông Nguyễn Hữu Thành (thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa) gieo sạ 4 sào lúa, cây lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng thì bị bệnh đạo ôn lá gây hại mạnh. Những ngày qua, ông Thành phải tập trung xuống đồng chăm sóc, phun thuốc đặc trị phòng trừ bệnh đạo ôn lá lây lan, bùng phát. Nhờ được hướng dẫn kỹ lưỡng và mua đúng thuốc, đúng liều lượng nên sau một lần phun, bệnh đạo ôn cơ bản đã giảm đáng kể, gia đình ông Thành tiếp tục theo dõi, phun lại lần thứ hai cho sạch bệnh, tạo điều kiện cho cây lúa trở lại ổn định.
Ông Nguyễn Tráng (xã Đại Hiệp) bên thửa ruộng bị chuột cắn phá tơi bời. Ảnh: NHẬT DUY |
Bệnh đạo ôn lá còn xuất hiện rải rác trên cánh đồng Bàu Lùng, cánh đồng Đội 2, thôn Phiếm Ái 2 của xã Đại Nghĩa, song mức độ gây hại chưa lớn do người dân kịp thời phát hiện và xử lý. Không chỉ bệnh đạo ôn lá, các đối tượng sâu bệnh khác như bọ trĩ, ruồi đục nõn... cũng là mối lo của nhà nông, gây hại rải rác, nguy cơ làm giảm năng suất nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nguyên nhân xuất hiện nhiều đối tượng gây hại là do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kéo dài nhiều ngày kết hợp nền nhiệt độ thấp, đêm và sáng sớm có sương mù, ẩm độ cao...
Ông Lê Văn Thanh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Đại Lộc cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng, hiện nay, bệnh đạo ôn lá phát sinh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái với diện tích bị nhiễm 1.000ha, tỷ lệ gây hại phổ biến 5-10% trên các giống như OM 4900, TBR-25, Xi23, X21... Riêng đối với giống lúa BC 15, toàn huyện có trên 650ha bị nhiễm bệnh. Đây là loại bệnh nguy hiểm, khả năng phát tán lây lan nhanh, cứ mỗi đêm, một vết bệnh phát tán tới 5.000 bào tử nấm gây hại nên nếu không phòng trừ kịp thời cây lúa sẽ bị lụi dần và chết. Để khống chế và từng bước đẩy lùi bệnh đạo ôn, những ngày này, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đại Lộc đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bà con phòng trừ bằng các thuốc đặc trị như Fujione, Filia… với liều lượng nước phun phải đảm bảo 30 lít/sào. Có như vậy mới hạn chế được bệnh đạo ôn phát sinh trên cổ bông, cổ gié.
Diệt trừ chuột, bảo vệ lúa
Không chỉ bị sâu bệnh gây hại, nhiều diện tích lúa thuộc cánh đồng Chánh Thẩm (thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp) bị chuột cắn phá tơi bời, nhiều đám ruộng chỉ còn gốc trơ trọi. Ông Nguyễn Tráng (thôn Phú Mỹ) cho biết, sau những trận lũ lớn, không hiểu sao khu vực này chuột trú ẩn, sinh sôi mạnh, ngày nào cũng phải đặt bẫy thuốc, bẫy tự chế, song chuột ngày càng đông, tinh khôn nên không thể tiêu diệt hết được. Cả 2 sào ruộng của ông Tráng bị chuột cắn sạch, chỉ còn khoảnh lúa ở quanh bờ. Ông Tráng phải mua bạc ni lông về rào xung quanh các thửa ruộng của gia đình nhưng tình trạng trên không suy giảm; các giải pháp đánh bã, đặt bẫy cũng không ăn thua. Thửa ruộng 3 sào của gia đình ông Nguyễn Kiện (thôn Phú Mỹ) gần đó lúa đang vào giai đoạn chuẩn bị làm đòng thì bị chuột phá cắn phá gần 20% diện tích. Không riêng gì ông Tráng, ông Kiện mà hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Đại Lộc cũng đang khốn đốn vì nạn chuột hoành hành, nặng nhất là ở các xã: Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân, Đại Hiệp, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Thắng...
Theo thống kê, tổng diện tích bị gây hại toàn huyện khoảng 200ha, mức gây hại 7-10%, nhiều nơi 15-20% diện tích, cá biệt có nơi từ 20-30% diện tích. Theo dự báo, mức độ tấn công của chuột càng tiếp diễn cho tới khi giai đoạn đòng trổ. Nhiều nông dân lo ngại, nếu tình trạng trên cứ tiếp diễn thì nhiều diện tích sẽ bị giảm sút năng suất nghiêm trọng hoặc đứng trước nguy cơ mất trắng. Những diện tích bị gây hại nặng chủ yếu sát vùng gò đồi, triền núi, lùm cây, bụi rậm... Nguyên nhân chuột phát sinh và hoành hành trên nhiều cánh đồng, một phần là do sự chủ quan của chính quyền và nông dân sau hai đợt lũ cuối năm. Nhiều địa phương không tổ chức ra quân diệt chuột như mọi năm, công tác đặt bẫy, đánh bã giai đoạn đầu được thực hiện rất ít, công tác chỉ đạo trên đồng ruộng ở một số nơi còn hạn chế. Trên thực tế thì sau hai đợt lũ, chuột tìm nơi trú ẩn, đào hang, sinh sôi mạnh, không cắn phá mạnh ở giai đoạn đầu, khi cây lúa vừa gieo sạ như mọi năm mà tập trung cắn phá mạnh ở giai đoạn cây lúa đẻ nhánh khiến công tác phòng trừ bị động.
Đông xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, quyết định đến năng suất, sản lượng lúa của cả năm. Hiện ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung các biện pháp bảo vệ cây trồng, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để nắm chắc tình hình diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thuốc đặc trị và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tại từng địa phương để bà con nông dân nắm bắt, áp dụng có hiệu quả. Các địa phương cần tăng cường đồng loạt các biện pháp diệt chuột như đánh bã, đào hang, xông khói, dùng bẫy cơ học... Để diệt chuột có hiệu quả không thể làm đơn lẻ “ruộng ai nấy lo”, mà cần có sự tổ chức, phối hợp diệt chuột đồng loạt trên phạm vi rộng cả cánh đồng cũng như tổ chức cho các hội đoàn thể phối hợp với nông dân đào bắt thủ công. (Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc) |
Để phòng trừ dịch hại, chính quyền và người dân nhiều địa phương đã ra quân diệt chuột, bảo vệ đồng ruộng. Vụ này, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 50 triệu đồng mua 83kg racumin để hỗ trợ cho các địa phương phòng trừ chuột và sâu bệnh gây hại. So với mọi năm, lượng thuốc đặt bã chưa đáng kể, vậy nên, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục mua thuốc hỗ trợ cho nhân dân tiếp tục đánh bã diệt trừ chuột trên đồng ruộng, bảo vệ cây lúa đông xuân.
Ông Nguyễn Thành Sự - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đại Hiệp cho biết, HTX đã chi 90 triệu đồng để tổ chức cho xã viên đánh bã hai lần với số lượng trên 1,2 tấn, tiến hành thu mua 31,5 nghìn đuôi chuột của người dân với mức hỗ trợ 2.000 đồng/đuôi. HTX còn vận động nhân dân hình thành các tổ diệt chuột cộng đồng và hướng dẫn những biện pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Còn theo ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, khu vực Ái Nghĩa mạnh về sản xuất lúa giống nên công tác đảm bảo về kỹ thuật, về phòng trừ sâu bệnh là trách nhiệm của HTX. Từ đầu vụ, để tiêu diệt ốc bươu vàng, từ trước khi xuống giống, HTX đã hướng dẫn cho xã viên xử lý kỹ không để ốc bươu gây hại. Sau tỉa dặm, còn hướng dẫn xã viên phun thuốc diệt bọ trĩ đại trà. HTX cung ứng cho xã viên 1,5 tấn bã sinh học để cung ứng cho xã viên rải diệt chuột từ nhà ra đồng vì loại bã này chỉ gây hại đối với loài chuột, vô hại với những con vật khác. Nhờ phòng trừ có hiệu quả nên tỷ lệ gây hại của chuột trên các cánh đồng không đáng kể. Theo Trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc, đến nay, toàn huyện đã tổ chức tiêu diệt 45 nghìn con chuột, riêng xã Đại Hiệp ra quân tiêu diệt 30 nghìn con chuột, song tình trạng chuột gây hại, cắn phá vẫn chưa giảm.
TRIÊU NHAN - NHẬT DUY