Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 (khóa XXII) ngày 6/4 đã dành nhiều thời gian đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác quý I/2023. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong các quý tới.
Địa phương nêu khó
Báo cáo trình Hội nghị Tỉnh ủy đánh giá, tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022; hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng giảm sút mạnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm chậm; nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Thảo luận làm rõ thêm đánh giá này, ông Đỗ Tài – Bí thư Huyện ủy Đông Giang nói, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công trình có vốn đầu tư công tại địa phương đều gặp khó khăn.
Các dự án đầu tư công của huyện không phải gặp khó khăn do vướng mắc giải phóng mặt bằng mà do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Trên địa bàn có hai mỏ cát còn thời hạn khai thác nhưng đều đóng cửa. Nếu không có nguồn vật liệu xây dựng thì trong các quý sắp tới huyện cũng sẽ “bí”, kéo theo ảnh hưởng cả năm 2023. Vậy nên, UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ tháo gỡ.
Cho biết thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng lớn đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, theo ông Lê Thanh Hưng – Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, các vấn đề khó khăn trong thực tiễn huyện đã nhiều lần đề xuất các sở ngành tháo gỡ nhưng chưa có kết quả. Nam Trà My có 7 tuyến đường tạm dừng thi công do các vướng mắc.
Ông Hưng cho biết, các tuyến đường này đã xây dựng từ thời huyện Trà My cũ, hằng năm được tu bổ. Năm 2022 - 2023 Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng thêm và điều chỉnh lại các khúc cua, nhưng khi triển khai thì vướng đến rừng phòng hộ, phải tạm dừng.
“Huyện đã làm việc với ngành chuyên môn của tỉnh để đề xuất Trung ương tháo gỡ, bởi giao thông là vấn đề hàng đầu để giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội” – ông Hưng nói.
Bày tỏ lo ngại khi GRDP của tỉnh sụt giảm 10,9% trong quý I, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho rằng, mới trong quý I, chưa thể đánh giá hết được hết các tác động, nhưng cần có đánh giá kỹ, bởi từ thực tiễn địa phương cho thấy có nhiều vướng mắc, mà nói đi nói lại nhiều lần là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Môi trường đầu tư cũng cần kiểm soát trở lại, chỉ việc cấp chứng nhận đánh giá tác động môi trường hiện nay đã mất ít nhất 6 tháng.
Càng khó khăn, càng phải nỗ lực
Liên quan đến thủ tục hành chính trên lĩnh vực thu hút đầu tư, ông Lê Vũ Thương – Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho hay, vướng mắc nhất hiện nay là thủ tục hành chính đối với từng dự án, đặc biệt là thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường khá chậm so với các địa phương. Nhưng đây là thủ tục bắt buộc trong việc cấp giấy phép xây dựng.
Theo đánh giá, theo dõi của đơn vị, một hồ sơ đánh giá tác động môi trường nộp qua Sở TN-MT thường kéo dài từ 4 – 6 tháng. Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh phân cấp ủy quyền cho Ban Quản lý khu kinh tế Bắc Ninh đối với một số hồ sơ đánh giá tác động môi trường đơn giản, không phức tạp.
Về vấn đề này, theo ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN-MT, có trường hợp chủ đầu tư có biểu hiện khoán trắng cho đơn vị tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường, không có hồ sơ kèm theo, hồ sơ không đủ, thì không thể thành lập hội động thẩm định.
Ông Hà nói: “Theo trách nhiệm của sở, nếu hồ sơ đủ điều kiện mà đơn vị chuyên môn trực thuộc, hay ai đó còn đòi hồ sơ, có ý kiến này ý kiến kia thì các đồng chí có ý kiến trực tiếp với tôi, sẽ xử lý ngay. Hồ sơ đủ điều kiện thì sẽ thành lập hội đồng xem xét ngay, không có đổ qua, đổ về”.
Trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh là có việc hồ sơ đã đầy đủ hết các điều kiện, để ở trên bàn của Sở TN-MT 3 tháng trở lên không, ông Hà nói bản thân chưa thấy.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến giảm sút tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Bởi năm 2022 Quảng Nam tăng trưởng rất cao, chủ yếu nhờ chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với ngành ô tô. Tỷ trọng thu từ ngành ô tô tăng đột biến, từ quý IV/năm 2022 đã bắt đầu bộc lộ những khó khăn chung trong cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, qua tất cả các số liệu, thông tin cũng như đánh giá tình hình, quý II sẽ khó hơn và để khắc phục tình trạng này, đưa kinh tế của tỉnh tăng trưởng trở lại có nhiều việc phải làm, nhưng việc quan trọng nhất là phải tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ về đầu tư sản xuất công nghiệp.
Trao đổi về các khó khăn của khu vực miền núi trong giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, để huy động nguồn lực phát triển Quảng Nam thì phải dựa vào nguồn lực đầu tư của xã hội, chứ không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước được.
“Riêng về vấn đề môi trường đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc liên quan, sắp tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề nghe các địa phương thảo luận, tìm hướng tháo gỡ. Vượt quá thẩm quyền thì xin ý kiến Trung ương. Trong bối cảnh khó khăn chung, chúng ta phải nỗ lực cao nhất để vượt qua” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu UBND tỉnh, các đồng chí được phân công theo dõi lĩnh vực ngành tập trung đôn đốc, thúc đấy tiến độ các dự án đầu tư công. Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi kinh tế, sản xuất.
“Các vướng mắc, không đợi chờ đến khi tổ chức một hội nghị để nghe, tìm hướng tháo gỡ. Có vấn đề gì các đồng chí phải trao đổi hằng ngày để tìm hướng giải quyết kịp thời...” - đồng chí Phan Việt Cường lưu ý.