UBND huyện Bắc Trà My cho biết, tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn là hơn 294 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương hơn 231,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 53 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác hơn 10,3 tỷ đồng) để thực hiện 7 dự án.
Trong đó, huyện dự kiến bố trí gần 208 tỷ đồng để thực hiện đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương dự kiến xây dựng 56 cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Riêng trong năm 2022 xây dựng 40 cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với kinh phí dự kiến thực hiện hơn 124,8 tỷ đồng.
Đối với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện dự kiến kinh phí thực hiện là 22 tỷ đồng.
Cụ thể, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng năm 2022, dự kiến kinh phí thực hiện hơn 5,5 tỷ đồng.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH mới đây, UBND huyện Bắc Trà My nêu ra các khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững từ thực tiễn cơ sở. Lãnh đạo địa phương cho rằng, nguồn lực đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho giảm nghèo còn hạn chế, chưa cân đối với mục tiêu chung. Hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án còn thấp. Đồng thời đề xuất Trung ương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành.
Trên cơ sở đó xác định chính sách nào cần tiếp tục thực hiện, sửa đổi bổ sung, hoặc nên kết thúc theo hướng tinh gọn chính sách, gọn đầu mối quản lý chính sách. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các hộ có ý chí vươn lên, tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững; không giới hạn định mức hỗ trợ cho từng hộ theo quy định để việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ được hiệu quả hơn.